Sau khi Hungary và Ba Lan tuyên bố tạm ngừng nhập khẩu nông sản của Ukraine để ngăn một cuộc khủng hoảng nông nghiệp, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng "các hành động đơn phương" là không thể chấp nhận được và có khả năng vi phạm chính sách thương mại của khối. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh việc nhập khẩu ồ ạt số lượng lớn ngũ cốc của Ukraine đang gây ra tình trạng bất ổn đối với nông dân Trung và Đông Âu...
Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì, các loại ngũ cốc hàng đầu thế giới, thường được vận chuyển đến các thị trường xa xôi như Ai Cập, Pakistan... Cuộc xung đột Nga - Ukraine năm ngoái đã làm gián đoạn tuyến đường xuất khẩu chính ở Biển Đen và một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm dỡ bỏ lệnh phong tỏa chỉ có hiệu quả một phần. Lo ngại tình hình này “đe dọa an ninh lương thực toàn cầu”, Ủy ban châu Âu (EC) đã thiết lập “các làn đường đoàn kết” vào tháng 5-2022 để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Từ đó, ngũ cốc của Ukraine đã được chuyển sang các nước EU có chung biên giới: Hungary, Ba Lan, Romania, Bulgaria, Séc và Slovakia. Nhưng thay vì chuyển tiếp liền mạch vào các thị trường toàn cầu, tình trạng dư nguồn cung tại các nước này đã khiến giá nông sản giảm mạnh trong thị trường nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của người dân và các nhà sản xuất.
Điều đáng nói, việc Brussels đình chỉ tất cả các mức thuế và hạn ngạch đối với hàng hóa nhập khẩu của Ukraine, bao gồm cả nông sản, đã mang lại cho Kiev một cơ hội kinh tế, nhưng đã tác động mạnh đến ngành Nông nghiệp ở các quốc gia tuyến đầu EU. Ước tính nông dân các nước Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria và Slovakia thiệt hại khoảng 455 triệu USD. Vì vậy, nhiều tuần qua, nông dân ở các nước Đông và Trung Âu đã tổ chức biểu tình ở thủ đô và chặn các cửa khẩu biên giới để phản đối nhập khẩu ngũ cốc Ukraine.
Nông dân Ba Lan phàn nàn rằng, việc không có thuế quan đối với hàng hóa nông nghiệp đang thu hút khối lượng ngũ cốc Ukraine lớn chưa từng có vào thị trường địa phương và các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất nằm ở phía Đông Nam, nơi gần Ukraine nhất.
“Thay vì đến thị trường quốc tế, đến châu Phi, như các chính trị gia đã cam kết với chúng tôi, ngũ cốc Ukraine vẫn ùn ứ ở Ba Lan”, nông dân Ba Lan Marcin Misiak nói với giới truyền thông, đồng thời cho biết, những khách hàng thường xuyên của ông đã quay sang chọn mua nông sản có giá rẻ hơn đến từ Ukraine.
Chính phủ Ba Lan đã phải chi hàng chục triệu euro để hỗ trợ người dân gặp thiệt hại bởi ngũ cốc nhập khẩu. Sự bất mãn gia tăng sau khi EC công bố dự thảo quyết định gia hạn nhập khẩu ngũ cốc Ukraine miễn thuế và hạn ngạch cho đến tháng 6-2024, khiến Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Henryk Kowalcyzk buộc phải từ chức vào đầu tháng này. Ngày 15-4, lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền ở Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cho biết, nước này đã ngừng nhập khẩu ngũ cốc và một số thực phẩm khác từ Kiev. Vài giờ sau, Chính phủ Hungary công bố các biện pháp tương tự. Cả hai quốc gia cho biết, lệnh cấm sẽ kéo dài đến cuối tháng 6-2023.
Để đối phó với tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng, tháng 3-2023, EC đã đề xuất các biện pháp hỗ trợ trị giá 56,3 triệu euro (khoảng 61,3 triệu USD) cho nông dân các nước Bulgaria, Ba Lan và Romania. Song, các quốc gia này khẳng định số tiền trên không đủ. Trong khi đó, phản ứng trước việc Ba Lan và Hungary ngừng nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine, ngày 16-4, Người phát ngôn của EC Arianna Podesta cho biết, cơ quan này không đồng tình với các biện pháp trên và đang liên lạc chặt chẽ với chính phủ Ba Lan và Hungary để được báo cáo về vấn đề này. Theo Người phát ngôn EC, trước tình hình hiện nay, điều quan trọng là phải có sự phối hợp nhất định trong EU để đưa ra quyết định.
Các nhà phân tích nhận định, lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine của một số quốc gia EU khiến căng thẳng gia tăng trong liên minh. Trong khi đó, EU cũng cần nhanh chóng có các biện pháp hỗ trợ, bởi các quốc gia EU sẽ không đủ khả năng lưu trữ vụ lúa mì sắp thu hoạch trong vài tháng nữa.