Tình trạng khô hạn và thiếu nước sinh hoạt trầm trọng đang gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân cũng như hoạt động của các ngành, nghề kinh tế tại châu Âu. Hàng loạt biện pháp đã được các nước khẩn trương áp dụng để ứng phó với cuộc khủng hoảng nước hiện nay.
Pháp, Italia, Anh... đều đứng trước nguy cơ hạn hán vào mùa hè sắp tới, sau khi vừa trải qua một mùa đông hanh khô ở mức đáng báo động. Cơ quan địa chất BRGM của Pháp dự báo, tình trạng khô hạn trong mùa hè năm 2023 có thể nghiêm trọng hơn mùa hè năm ngoái, bởi mực nước ngầm của Pháp đang ở mức rất thấp. Cụ thể, vùng sản xuất rượu vang Roussillon và vùng Var ở Pháp là hai khu vực ghi nhận mực nước ngầm thấp kỷ lục, ảnh hưởng đến hoạt động tưới tiêu các loại cây ăn quả. Trong một vài mùa hè gần đây, cả hai vùng này đều hứng chịu các đợt cháy rừng lớn.
Tình trạng thiếu nước tại Italia cũng nghiêm trọng không kém. Giới khoa học và các nhóm hoạt động vì môi trường đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu nước ở Italia hồi tháng 1 vừa qua, sau khi lượng tuyết rơi trên dãy núi Alps sụt giảm đáng kể và thủy triều xuống thấp bất thường, khiến những con kênh ở thành phố Venice trở nên khô cạn.
Cùng với đó, theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Italia (ISTAT), cuộc khủng hoảng nước hiện chưa có hồi kết khi tình trạng thất thoát nước sạch do các đường ống dẫn bị rò rỉ vẫn ở mức nghiêm trọng. Năm 2020, lượng nước trung chuyển qua các đường ống dẫn tại Italia đã bị “bốc hơi” tới 42,2%, mức cao nhất trong lịch sử.
Không thể phủ nhận rằng, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh tới châu Âu, nơi vốn được biết đến có khí hậu ôn hòa, làm gia tăng nguy cơ hạn hán dai dẳng và thường xuyên. Cơ quan Khí tượng Anh xác nhận, năm 2022 là năm nóng nhất trong lịch sử của nước Anh.
Còn nước Pháp vẫn lo ngại về vấn đề cháy rừng trong mùa hè tới, trong bối cảnh tro tàn của đám cháy rừng xảy ra cách đây 8 tháng ở tây nam nước này vẫn âm ỉ dưới lòng đất. Mùa đông khô hạn vừa qua trên khắp các vùng phía nam của lục địa châu Âu đã làm giảm độ ẩm của đất, dấy lên mối quan ngại về nguy cơ lặp lại các đám cháy rừng từng xảy ra trong năm ngoái.
Hiện tại, chính phủ các nước châu Âu đã lên kế hoạch ứng phó cuộc khủng hoảng nước, trong đó nổi bật là các biện pháp tiết kiệm nước sinh hoạt. Tại Italia, một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên toàn quốc về sử dụng có trách nhiệm các nguồn nước sẽ được triển khai. Quốc gia này cũng hướng tới đơn giản hóa các thủ tục giải quyết tình trạng khẩn cấp liên quan đến khủng hoảng nước.
Pháp sẽ khởi động 1.000 dự án trong vòng 5 năm nhằm hướng tới mục tiêu tái sử dụng 10% tổng lượng nước của nước này vào năm 2030. Tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế được yêu cầu chung tay giảm lượng nước tiêu thụ vào mùa hè, không chỉ riêng ngành nông nghiệp, vốn tiêu tốn lượng nước lớn mà còn cả các ngành năng lượng, công nghiệp, du lịch, giải trí.
Trong một nỗ lực nhằm bảo vệ nguồn nước, Công ty cấp nước Thames Water của Anh thông báo đầu tư 1,6 tỷ bảng Anh trong vòng 2 năm tới nhằm giảm lượng nước thải chảy ra sông và xử lý ô nhiễm. Bộ trưởng Môi trường Anh đã yêu cầu các công ty cấp nước đưa ra kế hoạch nâng cấp hệ thống cấp nước và cảnh báo về các án phạt cao nếu các công ty này bị phát hiện gây ô nhiễm.
Sóng nhiệt, cháy rừng, khủng hoảng nước ở châu Âu là lời cảnh báo về những tác động ngày một tồi tệ của tình trạng biến đổi khí hậu. Siết chặt quản lý nguồn nước và chủ động ứng phó hạn hán là việc làm cần thiết song chỉ mang tính chất tạm thời, không thể giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.