Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố số liệu cho thấy chỉ số giá lương thực thế giới tháng 4-2023 đã lần đầu tiên tăng trong 1 năm qua. Dữ liệu được đưa ra trong bối cảnh lạm phát giá lương thực toàn cầu vẫn ở mức cao khiến nhiều quốc gia dễ bị tổn thương lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng. Điều này cho thấy, thị trường lương thực vốn đã mong manh lại vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Chỉ số giá của FAO - “thước đo” theo dõi giá cả các mặt hàng thực phẩm giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, trong tháng 4-2023 ở mức 127,2 điểm, tăng so với mức 126,5 điểm ghi nhận trong tháng 3. Chỉ số này hiện vẫn ở mức cao hơn 20% so với mức kỷ lục ghi nhận hồi tháng 3-2022, sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Theo FAO, việc các mặt hàng như đường, thịt và gạo tăng giá trong tháng 4 đã bù đắp cho sự sụt giảm giá của các sản phẩm như ngũ cốc, dầu thực vật và chế phẩm từ sữa.
Nhà kinh tế trưởng của FAO Maximo Torero nhận định, việc các nền kinh tế phục hồi hậu giai đoạn đại dịch Covid-19 sẽ làm gia tăng nhu cầu, qua đó gây áp lực tăng giá thực phẩm. Ông Maximo Torero bày tỏ quan ngại trước tình trạng giá gạo tăng và việc đề xuất gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chưa có nhiều triển vọng.
Trong một báo cáo về tình trạng an ninh lương thực công bố hồi cuối tháng 4, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, lạm phát giá lương thực vẫn ở mức cao trên toàn thế giới. Từ tháng 12-2022 đến 3-2023, lạm phát giá lương thực tăng trên 5% được ghi nhận ở 70,6% quốc gia thu nhập thấp, 90,9% quốc gia có thu nhập trung bình - thấp và 87% quốc gia có thu nhập trung bình cao. Trong đó, nhiều quốc gia ghi nhận tỷ lệ lạm phát giá lương thực lớn hơn 10%.
Dữ liệu cho thấy các nước ở châu Phi, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Nam Á, châu Âu và Trung Á đối mặt với tình trạng lạm phát giá lương thực cao nhất. WB nêu rõ, việc nhiều nước áp đặt thêm chính sách thương mại sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine đã khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trở nên trầm trọng.
Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, hai trong số các nhà xuất khẩu lúa mì và các loại cây trồng quan trọng lớn nhất thế giới đã làm đảo lộn thị trường nông sản. Xung đột cũng làm rung chuyển thị trường năng lượng và nguồn cung cấp phân bón, hai lĩnh vực liên quan mật thiết đến sản xuất lương thực. Và khi nguồn cung qua Biển Đen bị gián đoạn, giá lương thực tăng lên mức kỷ lục, làm gia tăng lạm phát, nghèo đói và mất an ninh lương thực ở các quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào nhập khẩu.
Biến đổi khí hậu cũng là yếu tố khiến tình hình an ninh lương thực càng trở nên nghiêm trọng. Tình trạng mất mùa kéo dài do hạn hán đã gây ra hậu quả thảm khốc là châu Phi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có. Tại vùng Sừng châu Phi, hàng triệu gia súc đã chết và mùa màng bị phá hủy do năm mùa liên tiếp quá ít mưa. Trong khi đó, theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ trung bình 36 giây lại có một người chết đói ở Ethiopia, Kenya và Somalia.
Chủ tịch WB David Malpass từng nhận định: “Việc tăng giá lương thực đang có tác động tàn phá đối với những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất”. Trong bối cảnh hệ thống lương thực toàn cầu đang ở trạng thái bấp bênh hơn bao giờ hết, giới phân tích cho rằng, các quốc gia nên nỗ lực phối hợp để tăng nguồn cung cấp năng lượng và phân bón, giúp nông dân tăng diện tích gieo trồng và năng suất, đồng thời loại bỏ các chính sách ngăn chặn xuất nhập khẩu.