Mỹ thoát nguy cơ vỡ nợ: Tránh hệ lụy cho kinh tế toàn cầu

07:26 - Chủ Nhật, 04/06/2023 Lượt xem: 5699 In bài viết

Vào phút chót, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cho phép đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công, qua đó tránh được thảm họa vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử quốc gia này. Quan trọng hơn, động thái này còn giúp nền kinh tế toàn cầu không rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính với nhiều hệ lụy có thể đón đợi.

Một phiên họp Quốc hội Mỹ bàn về dự luật cho phép đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công ở thủ đô Washington. Ảnh: Reuters

Một ngày sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống. Như vậy, văn kiện này đã hoàn toàn được “bật đèn xanh” trước hạn chót ngày 5-6, và chỉ chờ một thủ tục mang tính hình thức là chuyển cho Tổng thống Mỹ Joe Biden ký phê chuẩn thành luật. Ngay sau động thái này, ông chủ Nhà Trắng trên trang mạng xã hội Twitter đã hoan nghênh sự đồng thuận của lưỡng viện, coi đây là "chiến thắng lớn" đối với người Mỹ.

Dự luật “giải cứu” nền tài chính Mỹ nói trên là kết quả của nhiều tuần đàm phán giữa Chính phủ và Quốc hội nước này. Theo nội dung dự luật, để tránh tình huống ngân sách liên bang cạn kiệt, việc áp trần nợ công hiện là 31.400 tỷ USD, được đình chỉ trong hai năm, đến ngày 1-1-2025. Đổi lại, Chính phủ Mỹ phải áp đụng những biện pháp giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi Quỹ Covid-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo. Dự luật cũng bao gồm quyết định cấp hơn 886 tỷ USD cho ngân sách an ninh trong năm tài chính 2024 và hơn 703 tỷ USD trong hạng mục chi phí an ninh trong cùng năm...

Dự luật được thông qua kèm theo sự hưởng ứng là dễ hiểu, bởi tránh cho thị trường tài chính toàn cầu khỏi cơn chao đảo. Năm 2011, trong tình cảnh Chính phủ Mỹ đứng bên bờ vực vỡ nợ, khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là “giờ chót” để các bên tìm được tiếng nói chung, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán đã giảm khoảng 20%. Trong lần suýt vỡ nợ này, một số dự báo cho thấy, hơn 8 triệu việc làm có thể bị xóa sổ, trong khi lãi suất vay thế chấp có thể tăng hơn 20% và nền kinh tế sẽ thu hẹp như trong cuộc suy thoái sâu hồi năm 2008.

Diễn biến mới tại Mỹ cũng nhận được sự quan tâm trên toàn cầu. Theo giới chuyên gia kinh tế, việc vỡ nợ, tức Washington không còn khả năng đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán của đất nước, có thể làm tổn hại đến vị thế và uy tín của Mỹ trên trường quốc tế, đồng thời khiến chứng khoán lao dốc và nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng… Hiện tại, khoảng 60% giao dịch ngoại tệ toàn cầu được thực hiện bằng USD, và điều này có thể thay đổi nếu Mỹ không trả được nợ, đồng thời khiến giá trị của USD lao dốc. Nói cách khác, vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ có thể lung lay.

Mặt khác, nhiều quốc gia đang cố gắng bảo vệ nền tài chính của mình bằng cách mua một lượng lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ, được xem là một trong những tài sản an toàn nhất thế giới. Như thế, việc Mỹ vỡ nợ đương nhiên làm giảm giá trị của những trái phiếu, tổn hại đến dự trữ của nhiều quốc gia. Quá trình này được tăng tốc trong bối cảnh gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng lại ảnh hưởng đến giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ. Đó là chưa kể tới việc nhiều thống kê ghi nhận, hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới được giữ bằng USD - gần gấp ba lần so với bất kỳ loại tiền tệ nào khác. Như vậy, về lâu dài, hậu quả đan xen cộng hưởng càng trở nên khó tính toán.

Nước Mỹ một lần nữa đã bảo vệ được nền tài chính như mong muốn của chính các bên trong cuộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh không ít ý kiến đánh giá thỏa thuận lần này chưa đủ để làm thay đổi đường hướng tài khóa, Washington về lâu dài cần một hướng tiếp cận mới nhằm giải quyết tối đa nguy cơ vỡ nợ.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top