Ngày 4-6, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, nước này sẽ điều 2 tàu chiến đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm 2024. Động thái này nhằm bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng.
Cũng tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã cáo buộc một số quốc gia tăng cường chạy đua vũ trang và cố ý can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Ông Lý Thượng Phúc cảnh báo về việc thiết lập các liên minh quân sự giống như NATO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, châu Á - Thái Bình Dương ngày nay cần sự hợp tác cởi mở và toàn diện chứ không phải là liên kết theo nhóm nhỏ.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng, việc Bắc Kinh từ chối tổ chức đàm phán bên lề đối thoại ở Singapore lần này đã làm suy yếu nỗ lực duy trì hòa bình trong khu vực. Đáp lại, một quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc cho rằng, chính Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc phá vỡ đối thoại khi tăng cường trừng phạt các quan chức Trung Quốc và gây bất ổn ở châu Á - Thái Bình Dương với sự hiện diện quân sự của họ.
Ngày 4-6, các quan chức cấp cao từ hơn 20 cơ quan tình báo lớn trên thế giới đã tổ chức cuộc họp kín bên lề Đối thoại Shangri-La. Các cuộc họp như vậy thường được Chính phủ Singapore chủ trì và tổ chức tại một địa điểm riêng biệt, song song với Đối thoại Shangri-La.