Kinh tế khu vực đồng euro rơi vào suy thoái: Gian nan vượt khó

09:07 - Thứ Bảy, 10/06/2023 Lượt xem: 5146 In bài viết

Cuộc xung đột ở Ukraine chưa có hồi kết, giá năng lượng và lương thực tăng cao... đã đẩy khu vực đồng euro (Eurozone) rơi vào suy thoái và diễn biến phức tạp. Thực trạng này đòi hỏi bộ máy tài chính khu vực phải luôn sẵn sàng những biện pháp "thích ứng linh hoạt" nhằm vượt qua khó khăn một cách an toàn.

Theo số liệu ngày 8-6 của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU) EuroStat, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực Eurozone giảm 0,1% trong quý I-2023. Trước đó, GDP của 20 quốc gia sử dụng đồng euro giảm 0,1% trong quý IV-2022. Suy giảm trong hai quý liên tiếp đồng nghĩa với tình trạng suy thoái, là diễn biến tồi tệ hơn so với đánh giá trước đó rằng nền kinh tế khu vực này chỉ bị đình trệ.

Eurozone suy thoái là hệ quả tất yếu từ việc hầu hết các nền kinh tế chủ chốt lao dốc. Theo các nhà phân tích, chuỗi khó khăn trở nên trầm trọng hơn khi xung đột tại Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2022. Ở thời điểm đó, Nga đã cắt hầu hết xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu, lục địa vốn lệ thuộc vào nguồn cung này để sản xuất điện và sưởi ấm. Hệ quả là hóa đơn năng lượng tăng vọt đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp. Nỗ lực của các chính phủ và doanh nghiệp tới nay đã đưa giá năng lượng giảm xuống mức trước xung đột, nhưng lạm phát vẫn dai dẳng.

Các số liệu cho thấy, GDP của Ireland giảm sâu nhất, tới 4,6% trong quý đầu tiên của năm 2023. Ở vị trí thứ hai là Litva, giảm 2,1%. Thứ ba là Hà Lan với mức giảm 0,7%. Đáng ngại nhất là Đức, nền kinh tế lớn nhất và là động lực tăng trưởng chính của châu Âu, giảm 0,3% trong quý I-2023 sau khi đã giảm 0,5% trong quý IV-2022. Sở hữu nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Đức không chỉ hứng chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng năng lượng và chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, mà còn cả các vấn đề về chuỗi cung ứng và tranh chấp thương mại. Tiếp theo đó là sức mua giảm và các đơn đặt hàng công nghiệp giảm dần không chỉ trong khu vực châu Âu mà trên toàn cầu.

Lạm phát gia tăng dẫn tới những đợt tăng lãi suất cao chưa từng có tại Eurozone và điều này đè nặng lên tăng trưởng kinh tế, khiến các khoản tín dụng phục vụ mua nhà hoặc mở rộng kinh doanh trở nên đắt đỏ. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục giảm lạm phát để tránh gây căng thẳng cho người dân. Phát ngôn này dẫn tới những dự báo về việc lãi suất cao tiếp tục kìm hãm hoạt động kinh tế ở khu vực đồng euro trong suốt phần còn lại của năm 2023. Hiện nay, dự báo lạm phát khu vực Eurozone đang cao gấp nhiều lần mục tiêu của ECB và có thể phải đến năm 2025 mới quay trở lại mức mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, nhìn về phía trước, Ủy ban châu Âu (EC) vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế Eurozone, thể hiện qua việc dự báo tăng trưởng được nâng lên 1,1% (tăng 0,2% so với dự báo trước đó), dù dự báo lạm phát của khu vực cũng theo đó tăng. Dự báo tăng trưởng cho năm 2024 cũng được nâng 0,1%, lên 1,6%. Xu hướng này tương đồng với tầm nhìn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), vốn cho rằng kinh tế Eurozone sẽ tăng 0,9% trong năm 2023 và tăng 1,5% vào năm 2024. Ủy viên EU phụ trách về kinh tế Paolo Gentiloni nhận định, thị trường lao động có khả năng phục hồi đáng kể và các hạn chế về nguồn cung được nới lỏng. Sau khi tránh được suy thoái kinh tế trong mùa đông, khu vực Eurozone đang chuẩn bị cho mức tăng trưởng vừa phải trong năm nay và năm tới.

Dù vậy, thực tế lúc này vẫn là nền kinh tế Eurozone đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, do đó nỗ lực “vượt cạn” an toàn đòi hỏi những biện pháp chèo lái vô cùng linh hoạt. Đây sẽ là một thử thách lớn với bộ máy điều hành tài chính của khu vực, với hạt nhân là ECB.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top