Lạm phát tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5 tiếp tục đà “hạ nhiệt” 11 tháng liên tiếp, không những là tín hiệu đáng khích lệ đối với hoạt động kinh tế xứ Cờ hoa, mà còn tạo thuận lợi giúp các nhà hoạch định chính sách trong việc chèo lái nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo Chính phủ Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5-2023 tuy tăng 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm so với mức 4,9% trong tháng 4, phù hợp với dự báo của giới phân tích. Như vậy, chỉ số CPI tháng 5 của Mỹ thấp nhất trong khoảng 2 năm qua, thậm chí chưa bằng một nửa mức kỷ lục 9,1% được ghi nhận vào tháng 6-2022. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, “đây là một tin tốt lành” cho thấy tiến triển liên tục trong việc đối phó với lạm phát.
Diễn biến lạm phát tại Mỹ, được các chuyên gia kinh tế mô tả là “đi đúng hướng”, đã tác động tích cực tới nền kinh tế nước này. Ngày 15-6 (giờ Việt Nam), sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất và dự báo sẽ cắt giảm 1% lãi suất vào năm 2024 trong bối cảnh lạm phát giảm.
Quyết định này chính thức chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp được cơ quan này đưa ra từ tháng 3-2022 nhằm kiềm chế lạm phát và giúp giữ nguyên lãi suất chính sách của Mỹ trong phạm vi 5-5,25%. Trong bối cảnh lạm phát giảm, giá trị đồng USD của Mỹ đã giảm. Tỷ giá đồng euro so với đồng USD đã tăng từ 1 euro đổi được 1,0756 USD trong phiên giao dịch trước đó lên 1,0790 USD, trong khi bảng Anh tăng từ 1 bảng Anh đổi được 1,2505 USD trong phiên giao dịch trước đó lên 1,2602 USD.
Các chỉ số chứng khoán Phố Wall và châu Âu đều đóng cửa ở mức cao sau khi chỉ số giá tiêu dùng được công bố làm tăng thêm sự lạc quan của nhà đầu tư. Chỉ số lạm phát giảm cũng thúc đẩy sự lạc quan cho các "ông lớn" trong lĩnh vực công nghệ. Cổ phiếu của Netflix tăng 2,77%, cổ phiếu Nvidia cũng tăng 3,9%, chốt phiên với mức vốn hóa thị trường là 1.010 tỷ USD, trong khi Tập đoàn Tesla kéo dài chuỗi tăng điểm kỷ lục của mình lên 13 ngày.
Hệ quả là, trong phiên giao dịch ngày 13-6 (giờ Mỹ), chỉ số Dow Jones tăng 145,79 điểm, tương đương 0,43%. S&P 500 tăng 30,08 điểm, tương đương 0,69%. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 111,40 điểm, tương đương 0,83%. Tổng thể, S&P 500 và Nasdaq Composite đã ghi nhận mức cao kỷ lục trong 13 tháng. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London (Anh) tăng 0,3%. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tăng 0,8%…
Diễn biến tích cực đã thúc đẩy kỳ vọng trong các dự báo. Một số ước tính mới tỏ ra lạc quan, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ tăng 1% so với mức 0,4% đưa ra hồi tháng 3. Các quan chức Washington cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp cuối năm nay sẽ về ở mức 4,1%, thấp hơn mức 4,5% đưa ra hồi tháng 3.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo, tín hiệu vui trước mắt chưa đồng nghĩa rủi ro hoàn toàn biến mất và vẫn còn nguy cơ FED tăng lãi suất trong nửa cuối năm. Thực tế, nội bộ FED vẫn tồn tại ý kiến trái chiều, khi hơn một nửa trong số 18 nhà hoạch định chính sách dự báo lãi suất có thể tăng lên mức 5,50-5,75% vào cuối năm 2023. Số khác lại cho rằng, lãi suất sẽ giữ nguyên như hiện tại hoặc chỉ tăng thêm khoảng 0,25%. Mức dự đoán cho năm 2024 và năm 2025 là 4,6% (giảm 1%) và 3,4%. Đây là các mức cao hơn với dự báo đưa ra hồi tháng 3-2023, tương ứng 4,3% và 3,1%.
Dù đón nhận những diễn biến tích cực, nhưng trước thực tế tiềm ẩn nhiều bất định, có thể thấy các nhà điều hành nền tài chính Mỹ vẫn đang cảnh giác, tập trung nắm bắt sớm các tín hiệu để có thể ứng phó nhanh nhạy và hiệu quả trước những diễn biến bất thường của nền kinh tế, qua đó giữ vững một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế toàn cầu.