Nhờ những ưu đãi từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), kể từ đầu năm đến nay, Thái Lan đã hưởng lợi 97,04 triệu USD từ xuất khẩu hàng hóa tới các nước thành viên hiệp định, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 15/6, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết, Thủ tướng nước này Prayut Chan-o-cha đang thúc đẩy việc áp dụng các điều khoản của RCEP nhằm giúp các doanh nghiệp Thái Lan có thêm nhiều cơ hội thâm nhập thị trường toàn cầu.
Ông Anucha khẳng định, RCEP sẽ giúp Thái Lan mở rộng thương mại với các đối tác thành viên và tăng cơ hội tiếp thị và lao động cho các doanh nghiệp Thái Lan. Ông cho biết thêm, quan hệ đối tác cũng sẽ giúp tạo thuận lợi về thương mại và thúc đẩy hiệu quả việc phát triển hệ sinh thái kinh tế.
Dẫn số liệu từ Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan, ông Anucha cho biết, kể từ đầu năm 2023 tới nay, Thái Lan đã hưởng lợi 97,04 triệu USD (3,37 tỷ bạt) từ việc xuất khẩu tới 9 quốc gia bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Singapore, New Zealand, Malaysia, Việt Nam và Indonesia trong khuôn khổ RCEP, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Thái Lan bao gồm sắn lát, cá ngừ đóng hộp và bugi.
Ông Anucha khẳng định, Chính phủ Thái Lan sẵn sàng tạo thuận lợi và đưa ra lời khuyên về việc tận dụng các lợi thế mà RCEP mang lại nhằm giúp các doanh nghiệp Thái Lan thu được lợi ích lớn nhất.
Ông nói: “Thủ tướng Prayut đang rất lưu tâm tới những lợi thế trong nhiều hiệp định giúp đem lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Thái Lan, thí dụ như mở rộng thị trường và tiếp cận nguồn nguyên liệu”. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng những nỗ lực của chính phủ trong việc tạo thuận lợi về thương mại sẽ giúp các nhà xuất khẩu Thái Lan tiếp cận được nhiều thị trường hơn.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là Hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước ASEAN (bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. RCEP hiện là thỏa thuận thương mại tự do đa phương lớn nhất thế giới với thị trường khoảng 2,28 tỷ người, chiếm 29,4% dân số thế giới và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này đạt 25.900 tỷ USD, chiếm 30,6% GDP thế giới.