Sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) “bật đèn xanh”, Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị các công đoạn cần thiết trước khi xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển sớm nhất vào tháng 8-2023.
Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có kế hoạch sớm cung cấp những thông tin liên quan đến việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý cho cộng đồng địa phương và các quốc gia láng giềng vốn đang rất lo ngại về động thái này.
Trước đó, tại cuộc gặp với Thủ tướng Fumio Kishida, Tổng Thư ký IAEA Rafael Grossi đã cung cấp một báo cáo toàn diện đánh giá mức độ an toàn của nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Báo cáo của IAEA kết luận, nước thải nhiễm phóng xạ từ nhà máy này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.
Nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý được lưu trữ trong các bể chứa ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: CNN
Ngày 5-7, theo Nikkei Asia, Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh, sẽ không cho phép xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý nếu gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân Nhật Bản, cũng như môi trường quốc gia này và thế giới. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản khẳng định, sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về tình hình liên quan đến hoạt động xả thải với mức độ minh bạch cao dựa trên các bằng chứng khoa học.
Hồi tháng 1, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra thời gian dự kiến cho việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển là từ mùa xuân đến mùa hè năm 2023. Trong tuần này, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cũng thông báo “không có thay đổi nào trong kế hoạch này”.
Các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng các quốc đảo Thái Bình Dương, đã bày tỏ sự lo ngại về động thái của Nhật Bản. Tuy nhiên, Tokyo khẳng định, sẽ giải thích quyết định của mình dựa trên báo cáo về mức độ an toàn của IAEA.
Công ty Điện lực Tokyo Holdings (TEPCO), đơn vị vận hành Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi từng bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép động đất và sóng thần hồi năm 2011, sử dụng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) và nhiều thiết bị khác để giảm chất phóng xạ trong nước bị ô nhiễm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia.
Sau quá trình lọc, nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi được loại bỏ hầu hết 62 nguyên tố phóng xạ, bao gồm cesium và stronti, nhưng vẫn tồn tại nguyên tố tritium.
Tritium không thể được loại bỏ bằng công nghệ hiện có và nước thải đã qua xử lý cho đến nay vẫn được lưu trữ trong các bể chứa tại khu vực của Nhà máy Fukushima Daiichi. TEPCO có kế hoạch pha loãng nước thải đã xử lý với một lượng lớn nước biển để giảm nồng độ nguyên tố phóng xạ này thấp hơn mức 1/40 tiêu chuẩn an toàn quốc gia trước khi thải ra biển.