Hội thảo quốc tế OPEC lần thứ 8 với chủ đề "Hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và toàn diện" vừa kết thúc sau hai ngày (5 và 6-7) diễn ra tại Vienna (Áo). Là sự kiện năng lượng hàng đầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), hội thảo mang theo kỳ vọng định hình lại tương lai của ngành năng lượng toàn cầu và quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững, cũng như giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais cho rằng, bền vững trong chuyển đổi năng lượng có nghĩa là cân bằng những nhu cầu của hiện tại và tương lai, cân bằng quan hệ giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Người đứng đầu OPEC nhấn mạnh, các nước thành viên "chấp nhận quá trình chuyển đổi năng lượng" và phải được "lên kế hoạch tốt, toàn diện, công bằng, hợp lý".
Hội thảo đã kêu gọi thực hiện một cách tiếp cận thực tế và toàn diện hơn đối với quá trình chuyển đổi năng lượng trong khi duy trì sự ổn định của nguồn cung và giải quyết tình trạng nghèo năng lượng ở các khu vực kém phát triển trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên khoáng sản và dầu khí của Angola - Diamantino Pedro Azevedo phát biểu tại một phiên họp cấp bộ trưởng rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng là một "sự thay đổi mô hình" khó khăn và sẽ khác nhau đối với mỗi quốc gia tùy theo giai đoạn phát triển và điều kiện cụ thể của họ. Cựu Ngoại trưởng Tây Ban Nha Ana Palacio cho biết, ở những khu vực kém phát triển trên thế giới, việc thiếu khả năng tiếp cận năng lượng là một vấn đề cấp bách, nên quá trình chuyển đổi cần được thúc đẩy theo một cách khác so với các nước phát triển.
Ngành năng lượng toàn cầu đang trải qua nhiều thách thức, đáng chú ý nhất là tính bền vững của nguồn cung cấp với kế hoạch từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của một số quốc gia, điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung. Bất chấp những dự đoán ban đầu về một đợt tăng trưởng trong năm nay, giá dầu đã giảm khoảng 12% trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phục hồi “mờ nhạt” sau đại dịch Covid-19 cùng nhiều lo ngại rằng, các nước tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát sẽ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất Suhail al-Mazrouei cho biết, OPEC và các đồng minh trong OPEC+ luôn cố gắng bảo đảm sự cân bằng về các nguyên tắc cơ bản của thị trường giữa cung và cầu để tránh tình trạng tích tụ dầu tồn kho toàn cầu có thể dẫn đến bất ổn và hoạt động đầu cơ trên thị trường quốc tế. Bộ trưởng các nước OPEC đều ủng hộ chủ trương cắt giảm sản lượng để bình ổn thị trường.
Thể hiện sự đoàn kết và hợp tác giữa các thành viên liên minh OPEC+ bất chấp sức ép chính trị từ Mỹ đòi tăng sản lượng, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nhấn mạnh thị trường năng lượng sẽ không bị "bỏ mặc" và chính sách sản lượng được công bố ngày 4-6 là nỗ lực rất lớn để mọi người có thể thấu hiểu các nỗ lực của OPEC+. Tuyên bố của ông Abdulaziz bin Salman được đưa ra tại hội thảo sau khi Saudi Arabia thông báo sẽ gia hạn quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày thêm 1 tháng. Trước đó, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này thông báo sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7-2023. Nước Nga cũng sẽ cắt giảm lượng xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8-2023, bên cạnh các mức cắt giảm sản lượng được công bố trước đó. Đây là động thái mới nhất nhằm khôi phục giá dầu, hiện vẫn đang được giao dịch ở dưới mức 80 USD/thùng, vốn được xem là mức giá chấp nhận được với các nước xuất khẩu dầu mỏ.
Tuy nhiên, việc các nước xuất khẩu tìm cách nâng giá dầu cũng xung đột với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở các quốc gia phương Tây. "Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo rằng, thế giới sẽ rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung vào cuối năm nay. Việc Saudi Arabia cắt giảm sản lượng có thể khiến tình trạng thiếu dầu thêm nghiêm trọng và đẩy giá cao hơn mức chúng ta mong muốn", ông Vivek Dhar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và khai thác mỏ Australia, cho biết.
Quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và toàn diện là một trong những vấn đề phức tạp nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Trong bối cảnh các diễn biến địa chính trị ngày càng khó lường, tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, hội thảo năng lượng quốc tế thể hiện sự nỗ lực của tổ chức OPEC hướng tới một tương lai bền vững hơn và bảo đảm nguồn cung năng lượng đáng tin cậy bằng cách sử dụng các giải pháp công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này.