Liên hợp quốc cảnh báo, thế giới có nguy cơ bỏ lỡ các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) nếu không tăng gấp đôi nỗ lực toàn cầu. Theo báo cáo Liên hợp quốc công bố ngày 10/7, việc không đẩy nhanh thực hiện SDG có thể gây ra bất ổn chính trị, kinh tế và dẫn đến thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường.
Báo cáo nhận định, tác động của đại dịch Covid-19, khủng hoảng khí hậu, xung đột tại Ukraine và triển vọng kinh tế ảm đạm đã bộc lộ những điểm yếu mang tính hệ thống, cản trở tiến trình đạt được SDG.
Liên hợp quốc ước tính, nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn đến năm 2030, khoảng 575 triệu người sẽ mắc kẹt trong tình trạng nghèo cùng cực, khoảng 84 triệu trẻ em và thanh niên không được đến trường. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1,1°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và có khả năng chạm hoặc vượt ngưỡng 1,5°C vào năm 2035.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc cũng chỉ ra tiến bộ trong quá trình thực hiện SDG ở một số lĩnh vực. Tỷ lệ dân số toàn cầu được sử dụng điện tăng từ 87% năm 2015 lên 91% năm 2021. Năm 2022, có 5,3 tỷ người sử dụng internet trên thế giới, tăng 65% so với năm 2015. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) khẳng định, tiến bộ trong thực hiện SDG góp phần xây dựng một tương lai hòa bình và thịnh vượng hơn cho mọi người dân.
Trong khi đó, tại New York (Mỹ), Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF) đã khai mạc, nhằm thảo luận về yêu cầu cấp thiết thúc đẩy thực hiện SDG, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi toàn cầu. Với hơn 200 cuộc họp, HLPF tập trung đánh giá tiến độ thực hiện một số SDG, như nước sạch và vệ sinh môi trường, năng lượng sạch với giá phải chăng, công nghệ, đổi mới, cơ sở hạ tầng, cộng đồng bền vững...