Ngày 13-7, Nga cho biết, Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa được tổ chức tại Litva cho thấy, liên minh quân sự này đang quay trở lại các chính sách thời chiến tranh Lạnh và Mátxcơva sẵn sàng đáp trả các mối đe dọa như vậy bằng mọi phương tiện cần thiết.
Đường biên giới giữa Nga với NATO tăng lên gấp đôi sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc các nước phương Tây đang đưa ra một loạt hứa hẹn mới về việc cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tầm xa và hiện đại hơn nhằm kéo dài cuộc xung đột. Nga sẽ đáp trả bằng cách củng cố tổ chức quân sự và hệ thống phòng thủ của đất nước.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng cảnh báo về sự leo thang quân sự do hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine. Ông cho rằng, phương Tây đang tạo ra mối đe dọa hạt nhân đối với Nga bằng cách lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. "Mỹ và các vệ tinh NATO của họ đang tạo ra nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp với Nga và điều này có thể gây ra những hậu quả thảm khốc", ông Sergei Lavrov Lavrov nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, sự hỗ trợ cho Ukraine từ các thành viên NATO đã kéo nguy cơ của một cuộc chiến tranh toàn cầu đến gần hơn.
Theo thông tin mới nhất, các quan chức Ukraine cho biết, khóa đào tạo phi công Ukraine vận hành máy bay chiến đấu F-16 sẽ bắt đầu ở Romania vào tháng 8.
Tại Hội nghị thượng đỉnh, NATO đã thông qua kế hoạch phòng thủ toàn diện nhằm củng cố khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của liên minh trong tất cả lĩnh vực, từ không gian mạng, trên bộ, trên biển và trên không, với lực lượng 300.000 binh sĩ luôn sẵn sàng tác chiến. Đây là kế hoạch được đánh giá là toàn diện nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nguồn lực cho kế hoạch phòng thủ mới được đảm bảo khi NATO phê duyệt kế hoạch sản xuất quốc phòng để đẩy nhanh việc mua sắm chung, tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao khả năng tương tác của các thành viên NATO.
Kế hoạch phòng thủ mới của NATO được thông qua cùng quyết định về gói biện pháp gồm ba yếu tố giúp Ukraine gia nhập NATO, trọng tâm là xây dựng lại lĩnh vực an ninh và quốc phòng của Ukraine, chuyển đổi lực lượng vũ trang Ukraine sang các tiêu chuẩn của NATO. Các nước NATO cũng đã rút ngắn con đường để Ukraine trở thành thành viên của khối từ quy trình 2 bước thành quy trình 1 bước thông qua việc đồng ý loại bỏ yêu cầu về kế hoạch hành động đối với Kiev.