Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa công bố báo cáo cho biết trong nửa đầu năm nay, đã có 289 trẻ em được xác định thiệt mạng trên những con thuyền vượt Địa Trung Hải để vào châu Âu.
Báo cáo của UNICEF nêu rõ số trẻ em thiệt mạng nói trên cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bà Verena Knaus, quan chức phụ trách về vấn đề di cư của UNICEF, số trẻ thiệt mạng trên thực tế có thể còn cao hơn, khi không thể xác định rõ số liệu chính xác trong nhiều vụ đắm tàu ở Địa Trung Hải.
Trong nửa đầu năm nay đã có khoảng 11.600 trẻ em có mặt trên những chuyến tàu vượt Địa Trung Hải vào châu Âu, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tháng đầu năm nay, đã có khoảng 3.300 trẻ em vào châu Âu mà không có người thân đi cùng. Đây là con số cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều trẻ đã phải một mình tham gia hành trình kéo dài hàng tháng để tới được bờ biển Libya hoặc Tunisia ở khu vực Bắc Phi; và trong suốt quá trình này, các em phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như bị bắt giữ, tra tấn, bóc lột, bạo lực hay cưỡng hiếp… Phần lớn các em đến từ các nước như Guinea, Senegal, Gambia, Syria và Afghanistan. Frontex - Cơ quan Bảo vệ biên giới và bờ biển của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Đông Địa Trung Hải vẫn là tuyến đường di cư chính vào EU, chiếm gần 50% số người nhập cảnh bất hợp pháp vào khu vực kể từ đầu năm đến nay.
Theo UNICEF, đây là một dấu hiệu rõ ràng rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để tạo ra những con đường an toàn và hợp pháp cho trẻ em tiếp cận nơi tị nạn, đồng thời tăng cường nỗ lực giải cứu sinh mạng trên biển. Cuối cùng, cần phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ khiến trẻ em mạo hiểm mạng sống của mình ngay từ đầu. UNICEF đang kêu gọi các chính phủ bảo vệ tốt hơn trẻ em dễ bị tổn thương trên biển và ở các quốc gia xuất xứ, quá cảnh và điểm đến. Mục đích cuối cùng là bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em phù hợp với nghĩa vụ của pháp luật quốc gia và quốc tế.