Theo một bài viết được đăng trong tập san tháng 7/2023 của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, nước này có thể trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047 với mức tăng trưởng GDP thực tế trung bình hằng năm là 7,6% trong 25 năm tới.
Bài viết có nhan đề "India @ 100" của nhóm tác giả Harendra Behera, Dhanya V, Kunal Priyadarshi và Sapna Goel thuộc Phòng Nghiên cứu kinh tế và chính sách của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho rằng, với tổng lượng vốn, hạ tầng và bộ kỹ năng của người dân hiện nay, Ấn Độ có thể không dễ đạt được mức tăng trưởng nêu trên.
Tuy nhiên, việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài không phải là hiếm trong lịch sử kinh tế.
Theo nhóm tác giả, bài viết "India @ 100" đưa ra lộ trình giúp Ấn Độ trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047-2048.
Trong giai đoạn 2022-2023, Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng 7,2%. Dự báo của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ về tăng trưởng GDP cho năm tài chính hiện tại là 6,5%.
Nhóm tác giả khuyến nghị: "Ấn Độ phải tái cân bằng cơ cấu kinh tế của mình bằng cách thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp để tỷ trọng của nó trong GDP tăng từ mức 25,6% hiện tại lên 35% vào năm 2047-2048"
"Hoạt động nông nghiệp và dịch vụ sẽ phải tăng trưởng lần lượt là 4,9% và 13% mỗi năm trong 25 năm tới với tỷ trọng của ngành trong GDP lần lượt là 5% và 60% vào năm 2047-2048", bài báo cho biết.
Để trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047, Ấn Độ cần có GDP bình quân đầu người tăng 8,8 lần so với mức hiện tại. Nói cách khác, mức GDP bình quân đầu người hiện nay của Ấn Độ (2.500 USD) cần tăng lên 22.000 USD.
Bài viết cho rằng, con đường phát triển bền vững đòi hỏi đầu tư vào vốn hữu hình và cải cách toàn diện trên các lĩnh vực, bao gồm giáo dục, hạ tầng, chăm sóc sức khỏe và công nghệ để nâng cao năng suất.
Sự hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và người dân... là điều cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.
Về những thách thức, nhóm tác giả cho rằng, con đường trở thành quốc gia phát triển của Ấn Độ vào năm 2047 sẽ chủ yếu phụ thuộc vào việc phát triển cả vốn hữu hình và vốn nhân lực.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ lưu ý, quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của nhóm tác giả, không đại diện cho quan điểm của Ngân hàng.
Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người từ 13.205 USD trở lên vào năm 2022-2023 được xếp vào quốc gia có thu nhập cao. Trong khi đó, dựa trên 3 tiêu chí: GDP bình quân đầu người, đa dạng hóa xuất khẩu và hội nhập tài chính toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế phân loại các quốc gia thành 2 nhóm chính: các nền kinh tế tiên tiến (AEs) và các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDEs). |