Thúc đẩy tầm nhìn cho Gaza thời hậu chiến

12:43 - Thứ Sáu, 12/01/2024 Lượt xem: 3039 In bài viết

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa kết thúc chuyến công du đến khu vực Trung Đông lần thứ tư kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza bắt đầu, dù vậy, chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt và nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về kết quả thực sự của chuyến đi cũng như khả năng tiến đến “hồi kết” cho cuộc chiến.

Ngoại trưởng Mỹ hôm 10/1 đã đi từ Israel đến Bờ Tây và sau đó là Bahrain. Các điểm dừng này là một phần của chuyến công du đi qua các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Jordan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Arab Saudi, với điểm dừng cuối cùng là Ai Cập. Đáng chú ý, Ngoại trưởng Mỹ đã hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah, Bờ Tây, thảo luận về các kế hoạch thời hậu chiến ở Gaza, bao gồm các bước tiến tới thành lập một nhà nước Palestine.

Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken đã thảo luận về những nỗ lực nhằm “giảm thiểu tổn hại cho dân thường” ở Gaza và tăng cường cung cấp viện trợ cho khu vực bị bao vây, những điểm mà ông đã đưa ra một ngày trước đó trong chuyến thăm Israel. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm, ông Blinken cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với “cải cách hành chính” của chính quyền Palestine. Chính quyền Palestine khẳng định ông Abbas đã nói với ông Blinken rằng không người Palestine nào nên bị di dời khỏi Gaza hoặc Bờ Tây.

Trong khi đó, Hamas phản đối chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới khu vực này. “Mục đích của chuyến thăm là nhằm hỗ trợ an ninh cho khu vực chiếm đóng. Không có sự khác biệt giữa Israel và Mỹ”, quan chức Hamas Sami Abu Zuhri nhấn mạnh.

Chưa có kịch bản hậu chiến rõ ràng nào cho Gaza. Ảnh minh họa: AP.

Giới quan sát cho rằng Mỹ và Israel cũng đang đưa ra những tầm nhìn khác nhau về kịch bản hậu chiến. Ví dụ, trong chuyến thăm Tel Aviv, ông Blinken đã kêu gọi Israel chấp nhận giải pháp “hai nhà nước” cho Palestine, điều được Ngoại trưởng Mỹ thảo luận với ông Abbas ngày 10/1. Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần bác bỏ bất kỳ động thái nào hướng tới giải pháp “hai nhà nước” và cho biết Israel sẽ duy trì quyền kiểm soát an ninh đối với Gaza trong một thời gian không xác định sau chiến tranh.

Theo Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma (Mỹ), những tuyên bố này nhấn mạnh “khoảng cách lớn” giữa tầm nhìn của Washington về Gaza thời hậu chiến và những gì Chính phủ Israel sẵn sàng chấp nhận.

Trong một tuyên bố, Hamas phản đối chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới khu vực này, nhấn mạnh “những nỗ lực của quan chức Mỹ nhằm biện minh cho hành động diệt chủng do quân đội Israel gây ra đối với thường dân Palestine là những nỗ lực khốn khổ nhằm rửa tay cho tội ác chiếm đóng đẫm máu nhằm vào trẻ em, phụ nữ và người già ở Gaza”. Suốt 3 tháng chiến tranh, hàng chục nghìn trường hợp người Palestine thương vong đã được ghi nhận ở Gaza trong cuộc oanh tạc của Israel. Cuộc chiến nổ ra sau khi các chiến binh từ Hamas, phong trào nắm quyền tại Gaza, tấn công miền Nam Israel, giết chết khoảng 1.200 người.

Đáng chú ý, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) bắt đầu mở các phiên điều trần ngày 11/1, theo đơn cáo buộc từ Nam Phi rằng cuộc chiến của Israel với Hamas dẫn đến hành động diệt chủng đối với người Palestine, một tuyên bố mà Israel cực lực phủ nhận. Trong đơn kiện đệ trình lên ICJ ngày 29/12/2023, Nam Phi cho rằng Israel vi phạm nghĩa vụ được quy định trong “Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng”. Nam Phi cáo buộc Israel hành động với mục đích “hủy diệt người Palestine ở Dải Gaza”.

Đáp lại, người phát ngôn của Chính phủ Israel Eylon Levy ngày 10/1 khẳng định nước này sẽ ra trước “Tòa án Công lý Quốc tế để bác bỏ sự phỉ báng vô lý của Nam Phi”. Mặc dù thường coi các tòa án của Liên hợp quốc và quốc tế là không công bằng và thiên vị, Israel đã cử một đội pháp lý mạnh mẽ để biện hộ cho hoạt động quân sự của mình. Các phiên điều trần sẽ chỉ tập trung giải quyết yêu cầu của Nam Phi về các biện pháp khẩn cấp nhằm yêu cầu Israel đình chỉ các hoạt động quân sự ở Gaza trong khi tòa án xét xử nội dung vụ việc, một quá trình có thể mất nhiều năm.

Chuyến đi của ông Blinken diễn ra vào thời điểm giao tranh gia tăng dọc biên giới phía Bắc của Israel với Lebanon, nơi đã xảy ra các vụ ám sát phó thủ lĩnh của Hamas và chỉ huy Hezbollah hồi đầu tuần. Randa Slim, một thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington (Mỹ), quan ngại rằng những vụ việc này cho thấy “xu hướng leo thang” bạo lực. Hezbollah là một phong trào được Iran hậu thuẫn, và cuộc chiến dọc biên giới Lebanon-Israel đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn sẽ nổ ra, với việc Iran và các quốc gia khác có khả năng tham gia vào cuộc xung đột. Khi được hỏi liệu các vụ việc xảy ra gần chuyến thăm của ông có làm suy yếu lời kêu gọi tránh leo thang của Mỹ tại khu vực hay không, ông Blinken nhận định: “Một điều chắc chắn là việc leo thang không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Không ai mong đợi điều đó”.

Bất chấp những lời kêu gọi gần đây của Mỹ, phần lớn sự chú ý đổ dồn vào việc Washington tiếp tục hỗ trợ Israel. Ước tính có khoảng 23.357 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về vi phạm nhân quyền. Tại cuộc họp báo ở Tel Aviv hôm 9/1, ông Blinken tái khẳng định rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden “tiếp tục sát cánh” với Israel nhưng thương vong dân sự ở Gaza vẫn “quá cao”.

“Chúng tôi muốn cuộc chiến này kết thúc càng sớm càng tốt”, ông Blinken nhấn mạnh. Dù vậy, cuộc chiến đã diễn ra hơn 3 tháng, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào của một “hồi kết”, theo Michael Schaeffer Omer-Man, chuyên gia tại tổ chức “Democracy for Arab World Now” (DAWN).

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top