7h sáng 29-5 (giờ địa phương, tức 12h giờ Việt Nam), gần 28 triệu cử tri Nam Phi bắt đầu đi bỏ phiếu tại 23.292 điểm bầu cử trên khắp 9 tỉnh của đất nước này.
Đây được coi là cuộc bầu cử quan trọng nhất Nam Phi kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc vào năm 1994. Có tới hơn 70 đảng phái tham gia tranh cử 400 ghế quốc hội và 9 cơ quan lập pháp cấp tỉnh.
Đảng Quốc đại châu Phi (ANC), đảng cầm quyền tại Nam Phi suốt 3 thập kỷ qua, đang đứng trước thách thức lớn.
Các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy, nhiều khả năng ANC sẽ lần đầu tiên mất đa số trong quốc hội, buộc phải liên minh với một hoặc nhiều đảng đối lập để hình thành chính phủ.
Theo các nhà phân tích, uy tín của ANC giảm sút do tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là trong giới trẻ, dịch vụ công suy thoái và tội phạm tràn lan.
Khi thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid cách đây 30 năm, nhà lãnh đạo nổi tiếng Nelson Mandela, Chủ tịch ANC, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử dân chủ không phân biệt màu da lần đầu tiên ở Nam Phi vào năm 1994 và trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của đất nước Cầu vồng. Sau đó, nhiều dự án phát triển đất nước đã được vạch ra.
15 năm đầu tiên cầm quyền, ANC gặt hái không ít thành công. Từ năm 1994-2001, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng 200%, một số lĩnh vực của nền kinh tế như sản xuất ô tô và thực phẩm được cải thiện.
Tuy nhiên, khoảng một thập kỷ trở lại đây, nền kinh tế Nam Phi phải đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ thất nghiệp được xếp ở nhóm tồi tệ nhất thế giới - 32%. Ngân hàng Thế giới đánh giá, Nam Phi là quốc gia có sự bất bình đẳng kinh tế lớn nhất thế giới. Tình trạng nghèo đói gia tăng.
Tổng thống đương nhiệm Cyril Ramaphosa lên nắm quyền với lời hứa sẽ khắc phục mọi yếu kém, song kết quả không được như kỳ vọng. Các dịch vụ xã hội của đất nước, bao gồm giáo dục, cấp nước và chăm sóc sức khỏe đang bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến đợt bùng phát dịch tả tồi tệ nhất trong 15 năm qua đã tấn công Nam Phi vào tháng 2-2023 và vẫn đang lan rộng.
Liên minh Dân chủ (DA) đối lập chính đã ký một hiệp ước với 10 đảng khác, đồng ý thành lập chính phủ liên minh nếu họ có đủ phiếu bầu để có thể “hạ bệ”. Nhưng điều này rất khó xảy ra vì ANC sẽ vẫn được coi là đảng lớn nhất.
Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử dự kiến được công bố vào ngày 2-6 tới.