Theo hãng tin AFP, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đồng ý chuyển 50 tỷ USD lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Liên bang Nga cho Ukraine.
Một quan chức Phủ Tổng thống Pháp tiết lộ với hãng tin AFP rằng, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đạt được thỏa thuận về việc sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của Nga để cung cấp cho Ukraine 50 tỷ USD vào cuối năm nay.
Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc vào ngày 13-6 tại Italia, nhưng trước thềm hội nghị, một quan chức Phủ Tổng thống Pháp cho biết: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận”.
Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 11-6, tờ Nikkei Asia đưa tin, có thông tin cho rằng, G7 sẽ thành lập một quỹ để hỗ trợ Ukraine bằng cách sử dụng lợi nhuận tạo ra từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Theo Nikkei Asia, quỹ này sẽ được thành lập dưới sự quản lý của một tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), với sự đóng góp dưới hình thức các khoản vay thuộc khuôn khổ “Thúc đẩy các khoản thu bất thường” (ERA).
Hiện nay, các nước phương Tây đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga, nhưng họ chỉ có thể tiếp cận nguồn thu nhập do các tài sản này tạo ra, khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm.
Bằng cách thành lập một quỹ cho phép các khoản vay được hoàn trả bằng nguồn thu nhập này, các quốc gia phương Tây có thể hỗ trợ ngay lập tức cho Ukraine nhiều hơn số tiền nêu trên.
Quan chức Pháp được AFP dẫn lời cảnh báo rằng "nếu vì lý do này hay lý do khác, nếu tài sản của Nga không bị phong tỏa hoặc số tiền thu được từ tài sản của Nga không đủ để tài trợ cho khoản vay thì chúng tôi sẽ phải xem xét cách chia sẻ gánh nặng của khoản vay”.
Theo tờ The Kyiv Post, Mỹ đề xuất tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga theo “Đạo luật REPO dành cho người Ukraine” được thông qua gần đây, nhưng Liên minh châu Âu (EU) lại do dự hơn vì lo ngại những cạm bẫy về mặt pháp lý và tài chính của việc tịch thu.
Thay vào đó, Brussels tìm cách sử dụng lợi nhuận tạo ra từ tài sản bị phong tỏa và chuyển chúng đến Kiev.
Hiện nay, 2/3 số tài sản của Nga bị phong tỏa nằm ở các quốc gia EU, phần lớn trong đó do cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ nắm giữ.
EU đã thiết lập một khuôn khổ để gửi thu nhập đầu tư từ những tài sản này đến Ukraine.
Ngày 7-11-2023, Ủy ban Đối ngoại thuộc Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự thảo luật có tên là "Đạo luật REPO dành cho người Ukraine", cho phép Tổng thống Mỹ tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga trong phạm vi quyền tài phán của Mỹ, ngoại trừ tài sản ngoại giao.
Theo dự luật này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ sẽ có thể sử dụng số tiền này để tài trợ cho các nỗ lực tái thiết và viện trợ nhân đạo của Ukraine.
Dự luật, được 40 thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thông qua, xem việc tịch thu tài sản là một biện pháp thực thi nghĩa vụ của Mátxcơva trong việc bồi thường thiệt hại mà Kiev phải gánh chịu do cuộc xung đột với Nga.
Về phía Nga, vào ngày 23-5-2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các biện pháp đáp trả nếu Mỹ tịch thu tài sản của Nga.
Sắc lệnh do Điện Kremlin công bố phác thảo một cơ chế trong tương lai cho phép mọi thiệt hại do Mỹ gây ra sẽ được bù đắp bằng chính tài sản thuộc sở hữu của Mỹ hoặc các tổ chức liên quan.
Theo sắc lệnh, một thực thể Nga có thể yêu cầu tòa án Nga xác định xem tài sản của họ có bị phía Mỹ tịch thu một cách vô lý hay không và yêu cầu bồi thường. Chính phủ Nga và ngân hàng trung ương sẽ được trao quyền yêu cầu bồi thường những tổn thất đó thông qua tòa án Nga.
Sau đó, tòa án sẽ ra lệnh bồi thường bằng các tài sản của Mỹ ở Nga. Một ủy ban chính phủ sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp danh sách những người có thể trở thành đối tượng bị tịch thu tài sản để bồi thường cho các thực thể của Nga.
Các tài sản này có thể bao gồm chứng khoán, cổ phần trong các công ty Nga, bất động sản, động sản và quyền sở hữu trí tuệ thuộc sở hữu của Mỹ.
Những người có thể bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này gồm có công dân Mỹ hoặc những người cư trú tại Mỹ, người thực hiện hầu hết hoạt động kinh doanh hoặc tạo ra phần lớn lợi nhuận của họ ở đó.