Ngày 17-6, The Guardian đưa tin, Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine diễn ra tại Thụy Sĩ đã kết thúc với một thông cáo chung, nhưng một số quốc gia và tổ chức không ký vào thông cáo.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh hoà bình về Ukraine tại Thuỵ Sĩ. Ảnh: The Guardian
Thông cáo cho biết, các lãnh đạo quốc tế nhấn mạnh quyết tâm kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, cũng như các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ mà tất cả các quốc gia, bao gồm cả Ukraine, tuân thủ.
Thông cáo kêu gọi khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia và các cảng trên Biển Azov, đồng thời nhấn mạnh tất cả tù binh chiến tranh phải được trả tự do thông qua trao đổi.
Thông cáo cũng nêu rõ, việc đạt được hòa bình đòi hỏi sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên, nhấn mạnh hội nghị tiếp theo sẽ thực hiện các bước đi cụ thể trong tương lai với sự tham gia sâu hơn của các bên.
Thông cáo được gần 80 quốc gia và 4 tổ chức ký kết. Tuy nhiên, đại diện của một số quốc gia tham gia hội nghị từ chối ký thông cáo chung, trong đó có Armenia, Ấn Độ, Saudi Arabia, Nam Phi, Indonesia, Mexico, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Brazil, nước tham gia với tư cách quan sát viên, không tán thành văn bản. Đại diện bốn tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cũng không ký.
Giới quan sát đánh giá, việc một số quốc gia và tổ chức không ủng hộ tài liệu này là điều bất ngờ, mặc dù một số vấn đề gây tranh cãi đã được lược bỏ khỏi thông cáo nhằm có được sự ủng hộ rộng rãi hơn, có thể kể đến như: việc giải quyết vấn đề hậu chiến cho Ukraine, liệu Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) không, hay việc rút quân từ cả hai bên sẽ diễn ra như thế nào. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, các phiên thảo luận cũng không đề cập tới đề xuất hoà bình Ukraine của Nga - trong đó yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Đại diện một quốc gia không ký vào thông cáo, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud cho rằng, bất kỳ tiến bộ có ý nghĩa nào hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột sẽ đều cần có sự tham gia của Nga.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer từng dự đoán về việc không phải tất cả các quốc gia và tổ chức tham gia đều sẽ ký vào thông cáo vì “vấn đề lựa chọn từ ngữ”.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Tổng thống chủ nhà Thuỵ Sĩ Viola Amherd cho rằng, dù kết quả đạt được còn khiêm tốn, việc đại đa số những người tham gia vào hội nghị đồng ý với thông cáo chung cho thấy những bước tiến nhất định về ngoại giao.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết sẽ “cần thời gian để đạt được hòa bình ở Ukraine”.
Trong phát biểu cuối hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hoan nghênh “những bước đầu tiên hướng tới hoà bình”, nhưng thừa nhận không phải tất cả những bên liên quan xung đột đều góp mặt tại hội nghị lần này.
Dù vậy, nhà lãnh đạo này cho biết, các bên đã đồng ý tiếp tục làm việc trong các nhóm đặc biệt về “kế hoạch hành động vì hoà bình”, nhấn mạnh đây là động thái sẽ mở đường cho một hội nghị thượng đình hoà bình lần thứ hai.