Theo Kyodo ngày 21-6, Bộ Tài chính Mỹ cho biết nước này một lần nữa đưa Nhật Bản vào danh sách các đối tác thương mại lớn giám sát về hoạt động ngoại hối có thể không công bằng.
Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa Nhật Bản trở lại danh sách theo dõi thao túng tiền tệ. Ảnh: Kyodo
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm ngoái, Nhật Bản nằm trong danh sách "giám sát". Trong báo cáo định kỳ sáu tháng gửi Quốc hội, Bộ này cũng đưa một số nền kinh tế khác vào danh sách trong đó có Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Nhật Bản, Đức… đều đáp ứng các tiêu chí có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ cũng như thặng dư tài khoản vãng lai đáng chú ý. Trong danh sách này, Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá liệu một quốc gia có thao túng tỷ giá hối đoái của mình để đạt được lợi thế thương mại không công bằng hay không.
Một quốc gia sẽ đáp ứng được cả ba điều trên nếu quốc gia đó có thặng dư thương mại với Mỹ ít nhất là 15 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai ít nhất là 3% tổng sản phẩm quốc nội và nếu quốc gia đó đã can thiệp một chiều, dai dẳng vào hoạt động ngoại giao của thị trường trao đổi.
Báo cáo bao gồm dữ liệu kinh tế từ 20 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong 4 quý tính đến tháng 12-2023. Bộ Tài chính Mỹ đề cập rằng chính quyền Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối vào tháng 4 và tháng 5 lần đầu tiên kể từ tháng 10-2022, trong nỗ lực đối phó với sự mất giá nhanh chóng của đồng yên so với đồng USD.
Báo cáo cho biết "kỳ vọng của Bộ Tài chính (Mỹ) là ở các thị trường trao đổi giao dịch tự do, lớn, việc can thiệp chỉ nên dành cho những trường hợp rất đặc biệt với sự tham vấn trước thích hợp”.