Sau một thời gian dài tranh luận, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được sự đồng thuận trong việc đề cử lãnh đạo khối nhiệm kỳ tiếp theo, với các lựa chọn đều thể hiện mong muốn duy trì sự ổn định trong bối cảnh thế giới nhiều biến động. Giới quan sát cho rằng, lựa chọn của các nhà lập pháp châu Âu lần này theo phương án an toàn...
Từ trái sang Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, đương kim Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa. Ảnh: The Guardian.
Theo The Guardian, các nhà lãnh đạo đại diện cho 3 nhóm chính trị chính trong EU - gồm đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Xã hội và Dân chủ (S&D) và khối Phục hưng châu Âu (Renew Europe) - đã đạt được sự đồng thuận về những vị trí lãnh đạo liên minh thời gian tới. Đây là bước tiến lớn sau nhiều tuần vấp váp bất đồng.
Cụ thể, thỏa thuận được 6 nhà lãnh đạo chủ chốt của EU ký kết, bao gồm: Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và người đồng cấp Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đại diện cho đảng Nhân dân châu Âu; Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đại diện cho đảng Xã hội và Dân chủ; Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đại diện cho khối Phục hưng châu Âu. Ba nhóm chính trị hàng đầu châu Âu này đã giành được 399 ghế (tương đương 55%) trong cuộc bầu cử châu Âu mang tính “địa chấn” hồi đầu tháng 6-2024.
Theo đề cử, đương kim Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí đứng đầu cơ quan điều hành EU trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai. Thủ tướng đương nhiệm của Estonia Kaja Kallas sẽ trở thành Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh - nhà ngoại giao chính của liên minh. Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu, chịu trách nhiệm chủ trì các hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU.
Trong những ngày tới, ba vị trí đề cử cần có sự chấp thuận đa số để được thông qua chính thức. Thử thách này được đánh giá chỉ mang tính thủ tục, với vị thế áp đảo mà ba nhóm chính trị chính của EU đang nắm giữ. Theo quy định, vị trí của bà Ursula von der Leyen cần sự chấp thuận của 20 trong số 27 quốc gia thành viên EU, chiếm 65% dân số EU để bảo đảm được Hội đồng đề cử làm Chủ tịch EC. Người đứng đầu chính sách đối ngoại mới của EU cũng cần tỷ lệ ủng hộ tương tự như vậy để có thể nhậm chức. Vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu thì yêu cầu ít khắt khe hơn, cần sự chấp thuận của 15 nước và 65% dân số.
Kết quả này của EU nhận được đánh giá tích cực từ giới quan sát. Mặc dù trước đây, Pháp công khai cân nhắc các lựa chọn thay thế bà Ursula von der Leyen, song với kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu đầy biến động, các nhà lập pháp có xu hướng coi trọng sự ổn định hơn bao giờ hết. Đương kim Chủ tịch Ủy ban châu Âu là một nữ chính trị gia trung hữu người Đức, trong khi ông Antonio Costa là một nhà xã hội chủ nghĩa Bồ Đào Nha, còn bà Kaja Kallas là một người theo chủ nghĩa tự do. Những đặc điểm này khiến ba người là lựa chọn bảo đảm sự cân bằng cả về chính trị, địa lý và giới tính. Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Friedrich Merz cho rằng, lựa chọn lần này đã phản ánh được ý chí của các cử tri và là “quyết định đúng đắn”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ ra, quyết định của các nhà lãnh đạo EU còn đồng nghĩa những vết nứt trong nội bộ liên minh chưa thể được hàn gắn một sớm, một chiều. Thực tế, khi thông tin đề cử lan ra, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã phản ứng không mấy tích cực khi cho rằng, các đề cử đã “gieo hạt giống cho sự chia rẽ”. Quyết định lần này cũng được cho là đã khiến Thủ tướng Italia Giorgia Meloni thất vọng. Chính trị gia này đang muốn gia tăng sức ảnh hưởng của Rome trong các vấn đề chung của Lục địa già. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh Nhóm Bảo thủ và Cải cách châu Âu theo chủ nghĩa dân tộc của bà Giorgia Meloni đã vượt qua những người theo chủ nghĩa tự do của ông chủ Điện Elysee để trở thành nhóm lớn thứ ba trong Nghị viện châu Âu với 76 ghế, nhưng chưa thể tạo ra sức ảnh hưởng đủ lớn.
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh chiến thắng mang tính bước ngoặt của các lực lượng cực hữu trong những cuộc bầu cử mới đây ở hàng loạt quốc gia chủ chốt châu Âu, được dự báo sẽ tạo ra các dư chấn chính trị thời gian tới, một bộ máy quản lý tối cao có thể duy trì sự ổn định cho liên minh là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, rõ ràng lựa chọn của các nhà lập pháp châu Âu lần này là lối đi hết sức an toàn.