ĐBP - Mỗi dịp tết đến, xuân về là thời điểm mọi người sum họp gia đình, vui chơi, gặp gỡ bạn bè... Đây cũng là lúc giờ giấc sinh hoạt, thói quen ăn uống thường ngày bị thay đổi, dẫn đến những ảnh hưởng không tốt với sức khỏe. Vì vậy, mọi người cần phải chủ động chăm sóc, chú ý giữ gìn sức khỏe để có những ngày tết an vui.
Hình ảnh bữa cơm thịnh soạn với nhiều món ăn giàu năng lượng, dầu mỡ, axit béo; ít rau xanh, chất xơ trở nên quen thuộc với mọi gia đình trong ngày tết. Việc ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng, không lành mạnh diễn ra trong nhiều ngày sẽ ảnh hưởng nhiều đến thể chất và tinh thần con người. Đặc biệt, với những người bị mắc các bệnh mãn tính, việc ăn uống mất cân đối dễ dẫn đến nhiều nguy hiểm với sức khỏe.
Để chuẩn bị cho các bữa ăn, nhiều gia đình đã lựa chọn chuẩn bị sẵn thực phẩm từ những ngày trước tết, trữ trong tủ lạnh, đến bữa chỉ việc chế biến, hâm nóng lại. Không chỉ vậy, có những món được lấy ra cất vào tủ lạnh nhiều lần bởi ăn một bữa không hết. Theo bác sĩ Trần Thị Lan Phương, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Việc sử dụng thức ăn thừa nhiều lần vừa mất giá trị dinh dưỡng vừa ảnh hưởng đến chất lượng, khiến thức ăn dễ bị ôi, thiu, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, khả năng xảy ra ngộ độc thực phẩm cao. Để đảm bảo sức khỏe, mọi người nên cân đối lượng thức ăn để nấu cho hợp lý, nếu cần thiết tiết kiệm thời gian thì chỉ nên tích trữ thực phẩm tươi sống để nấu chứ không nên dùng đi dùng lại thực phẩm đã chế biến.
Cùng với đó, sự xuất hiện thường xuyên của các loại đồ uống như nước ngọt có ga, đồ uống có cồn... tại các bữa ăn ngày tết cũng rất có hại cho cơ thể. Bởi đây đều là những loại chứa nhiều calo, làm giảm khả năng ức chế của cơ thể. Nếu uống nhiều nước ngọt có ga có chứa chất tạo bọt (CO2) và axit sẽ dẫn đến cơ thể bị thiếu canxi. Còn với rượu bia, nếu uống vượt ngưỡng an toàn (rượu nặng 50ml/ngày, rượu vang 150ml/ngày, bia 350ml/ngày) sẽ khiến nồng độ cồn trong máu tăng cao, dễ gây ra những tổn thương tới tế bào gan, hệ thần kinh.
Bác sĩ Trần Thị Lan Phương khuyến cáo, mọi người nên ăn đủ ít nhất 3 bữa/ngày, ăn đúng giờ. Trong các bữa ăn, cần phải đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: Chất bột đường, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất (có nhiều trong rau xanh, củ quả). Trong đó, cần đặc biệt chú ý hạn chế ăn các đồ ăn sẵn và chiên xào để giảm lượng dầu mỡ, bảo vệ thành mạch; tăng cường ăn nhiều thực phẩm có chất xơ để giúp làm giảm hấp thụ đường ngọt vào máu. Ngoài ra, nên hạn chế uống rượu, bia, nước ngọt có ga, để giảm thiểu ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Tết cũng là thời điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, tai nạn khi vui chơi giải trí, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu bia, các vụ tai nạn ở trẻ em như bị bỏng, hóc dị vật... Bác sỹ CKII Trần Hải Phong, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Vào những dịp tết, lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông, ngộ độc rượu, trẻ em bị hóc dị vật, ngã, bỏng thường tăng lên. Do vậy, mỗi người cần xây dựng cho bản thân ý thức phòng trừ rủi ro, khi đã sử dụng rượu, bia thì không lái xe; chủ động tìm hiểu các cách nhận biết rượu đảm bảo chất lượng để bảo vệ sức khỏe. Còn đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần xem xét, kiểm tra, loại bỏ những mối nguy cơ tiềm ẩn tại khu vực cho trẻ vui chơi, chú ý không cho trẻ ở một mình trên gác xép, tầng cao. Đặc biệt, không cho trẻ tự ăn các loại kẹo, thạch rau câu… vì rất dễ bị sặc thức ăn vào đường hô hấp, gây ngưng tim, ngưng thở, nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, trong dịp tết, nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng. Đây cũng là thời điểm chuyển mùa đông - xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan.