Món ăn tinh thần bổ ích

08:45 - Thứ Năm, 10/03/2022 Lượt xem: 4932 In bài viết

ĐBP - Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua tỉnh ta đã đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng (VHVNQC). Nhiều hoạt động VHVNQC diễn ra sôi nổi, rộng khắp đã và đang trở thành món ăn tinh thần bổ ích, lành mạnh, không thể thiếu trong đời sống nhân dân. Qua đó cổ vũ, động viên, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.

Đội văn nghệ quần chúng dân tộc Kháng, xã Rạng Đông biểu diễn tiết mục múa tại lễ công bố, trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ Pang Phoóng. Ảnh tư liệu

Cứ vào cuối tuần, các thành viên đội múa bản Hua Ca, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) lại cùng nhau luyện tập những bài hát, điệu múa truyền thống dân tộc Khơ Mú như: Múa chiêng kết hợp với ống tre, ống nứa (Tẹ ôm đing); múa đánh đao (tẹ tăm đao); múa sạp (tẹ khiêps); múa lắc eo (tẹ cưn viết guông)... Chị Lường Thị Tiên, đội trưởng đội múa chia sẻ: “Đội múa hiện có gần 20 thành viên tham gia sinh hoạt. Dù bận rộn với công việc đồng áng, những với mong muốn lưu giữ nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc, khơi dậy niềm đam mê và khả năng sáng tạo nghệ thuật nên khi có thời gian rảnh các thành viên lại tích cực luyện tập; tham gia biểu diễn tại nhà văn hóa, phục vụ nhân dân những địp đầu năm mới, kỷ niệm các ngày lễ, tham dự liên hoan, hội diễn do xã, huyện tổ chức... Để phong phú, đa dạng thêm nhiều bài hát, điệu múa, chúng tôi còn nhờ những người cao niên trong bản hướng dẫn thêm các bài hát, điệu múa cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Ngoài việc cùng nhau tập luyện những bài hát, điệu múa các thành viên còn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuần Giáo có 1 câu lạc bộ “Xòe Thái”; 177 đội văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn (mỗi đội có từ 15 - 20 thành viên) tham gia luyện tập, biểu diễn. Bà Lò Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Để duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, các cấp chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đội, CLB hoạt động thường xuyên, có hiệu quả như: Đầu tư hệ thống âm thanh, bố trí nhà văn hóa xã, bản cho các câu lạc bộ tập luyện hàng tuần… Ngoài đầu tư hệ thống, trang thiết bị, hàng năm các xã, thị trấn còn tạo sân chơi, nơi giao lưu, học hỏi, so tài cho các đội văn nghệ quần chúng như: Mỗi dịp lễ, tết, Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc, liên hoan do các ngành tổ chức...; đó cũng là dịp để du khách thập phương thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong huyện. Theo bà Lò Hồng Nhung: “Tuy là những tiết mục “cây nhà lá vườn” nhưng các diễn viên không chuyên luôn thể hiện hết mình, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. Việc phát triển, nhân rộng các mô hình đội văn nghệ quần chúng, CLB văn hóa văn nghệ trong huyện không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân mà còn tạo môi trường thuận lợi để giữ gìn, bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của cộng đồng các dân tộc”.

Có thể thấy rằng, hoạt động VHVNQC đã và đang khẳng định chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, để các phong trào VHVNQC ngày càng nhân rộng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của người dân; những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chú trọng phát triển mạng lưới các mô hình hoạt động của đội, nhóm, câu lạc bộ văn hóa - nghệ quần chúng cơ sở, từ đó tạo thành phong trào sôi nổi, rộng khắp từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn, thôn bản (hiện toàn tỉnh có 1.228 đội văn nghệ quần chúng). Đặc biệt, với nội dung bình dị, gần gũi, bám sát đời sống, phong trào VHVNQC không những làm thay đổi, xoá bỏ những quan điểm lạc hậu, hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức, lối sống, suy nghĩ từ bao đời nay của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa... mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ, động viên mọi người hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức 1.820 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 15 chương trình văn hóa, văn nghệ; duy trì hoạt động của 11 câu lạc bộ do Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh thành lập (thành lập mới CLB Nghệ thuật người cao tuổi 7/5 tỉnh Điện Biên); 10 buổi văn nghệ tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; tổ chức tập luyện 3 chương trình văn nghệ chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh.

Ngoài ra, hoạt động VHVNQC trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch cộng đồng, gắn phong trào văn hóa - văn nghệ với phát kinh tế - xã hội. Du khách đến Điện Biên không chỉ tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, mà còn có thể tìm hiểu, trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc bản địa thông qua các chương trình giao lưu văn nghệ tại các điểm du lịch, các bản văn hóa, cơ sở lưu trú. Anh Nguyễn Văn Thanh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Mỗi khi đến với mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, ngoài tham quan, trải nghiệm tại các điểm di tích, thưởng thức các món ăn... tôi và các bạn thường đến các bản văn hóa để tận hưởng không gian văn hóa đặc sắc, các tiết mục nghệ thuật, điệu múa, câu hát giao duyên do các đội văn nghệ quần chúng biểu diễn. Đặc biệt, tôi còn được tham gia trải nghiệm, múa cùng các bạn trong đội văn nghệ, rất thú vị”.

Sức hấp dẫn của VHVNQC ngày càng được khẳng định, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Từ đó, khơi dậy niềm đam mê, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết toàn dân tộc.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top