Gìn giữ nghệ thuật xòe Thái

08:31 - Thứ Ba, 10/01/2023 Lượt xem: 8783 In bài viết

ĐBP - Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng. Múa xòe đã trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Từ bao đời nay, cộng đồng người Thái ở Điện Biên vẫn luôn gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp này.

Điệu xòe khăn được biểu diễn trong ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc ở bản Nà Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên.

Điệu xòe có từ bao giờ?

“Ðiệu xòe, điệu xòe có từ bao giờ/ Mà vẫn mê say như thuở nào…” - Những ca từ ngân nga trong ca khúc “Ðiệu xòe thương nhau” của nhạc sĩ Vương Khon như một lời mời gọi, thôi thúc du khách gần xa về với Tây Bắc, về với Điện Biên để cùng hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Theo nhiều nghệ nhân ưu tú, người cao tuổi am hiểu về xòe Thái trên địa bàn tỉnh, không biết điệu xòe cổ có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ đời ông bà, tổ tiên đã có xòe và được trao truyền một cách tự nhiên qua các thế hệ.

Để có cơ sở dữ liệu cho việc lập hồ sơ khoa học nghệ thuật xòe Thái, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập phiếu kiểm kê tại 9 huyện, thị, thành phố; đồng thời trực tiếp tiến hành điều tra, phỏng vấn, ghi hình nghệ thuật xòe tại thị xã Mường Lay - nơi ghi dấu về sự phát triển của nghệ thuật xòe. Theo đó múa xòe có nhiều điệu, nhưng phổ biến nhất là xòe vòng tròn vỗ tay, tung khăn, tiến lùi, nâng khăn mời rượu. Mỗi điệu xòe có nét độc đáo riêng nhưng tất cả đều rất giản dị, đại chúng, trẻ già, trai gái đều tham gia được. 

Mỗi tuần 1 lần, CLB văn nghệ người cao tuổi phường Na Lay lại tổ chức sinh hoạt, tập luyện các điệu múa dân tộc Thái, trong đó có múa xòe. Dù đều đã cao tuổi nhưng với các thành viên trong CLB, được hòa mình vào điệu múa xòe không chỉ vì yêu thích, niềm vui tuổi già, mà còn là sự trăn trở gìn giữ, truyền lại cho thế hệ sau. Bà Lò Thị Lả, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: Nếu bây giờ không gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ thì sẽ có ngày con cháu mình không còn biết múa, người Thái quên đi bản sắc truyền thống của dân tộc mình. Với sự trăn trở, tâm huyết ấy, các thành viên CLB luôn chủ động, tích cực tìm hiểu, sưu tầm, dàn dựng các bài múa cổ đã mai một. Riêng đối với xòe Thái, đến nay CLB đã sưu tầm, phục dựng được 2 điệu xòe cổ.

Với người Thái, múa xòe là nếp sinh hoạt văn hóa lành mạnh, “món ăn" tinh thần không thể thiếu trong đời sống. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.150 đội văn nghệ thuộc các bản, trong đó đa phần là các đội văn nghệ thuộc bản dân tộc Thái. Đây được xem là những hạt nhân cốt lõi để bảo tồn và phát triển nghệ thuật xòe.

Xòe quạt được biểu diễn tại Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam – Lào lần thứ III, năm 2022.

Biến di sản thành “sản phẩm du lịch”

Thực tế chứng minh, hiện nay, nhu cầu trải nghiệm văn hóa nói chung và trải nghiệm nghệ thuật biểu diễn của khách du lịch nói riêng ngày càng cao. Việc UNESCO chính thức ghi danh nghệ thuật xòe Thái vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại” chính là cơ hội để điệu xòe Thái trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc.

Múa xòe đã trở thành một “sản phẩm du lịch” thu hút đông đảo du khách tham gia trải nghiệm khi đến với Điện Biên. Thông qua các bản văn hóa du lịch, mô hình homestay, người Thái - chủ thể của điệu xòe có dịp tổ chức biểu diễn điệu xòe Thái cho du khách thưởng thức, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa vùng miền. Không chỉ góp phần mang lại nguồn thu nhập mà khi thấy được giá trị, lợi ích của di sản mang lại, đồng bào sẽ có ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản nói chung trong đó có xòe Thái.

Tại nhà hàng Ẩm thực suối Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, để thu hút và tạo ấn tượng cho du khách, nhà hàng không chỉ tạo cảnh quan, không gian gần gũi với thiên nhiên, chế biến những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Thái, mà du khách đến đây còn được giao lưu văn nghệ, hòa mình vào điệu xòe. 

Ấn tượng, khó quên là những trải nghiệm thú vị của anh Nguyễn Đức Hòa, du khách người Hà Nội khi được hòa mình vào điệu xòe tại nhà hàng. Bước ra từ vòng xòe, anh Hòa hào hứng chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với những món ăn như xôi tím, cá suối nướng, thịt trâu luộc chấm chẩm chéo… Và đặc biệt nhất là sau bữa cơm thân mật, thưởng thức những chén rượu thơm nồng, mọi người cùng tay trong tay hòa mình vào điệu xòe bên ánh lửa đêm bập bùng… Và điệu xòe cũng thật kỳ diệu, lôi cuốn khi gắn kết những con người từ xa lạ thành thân quen.

Du khách hòa mình trong điệu xòe vòng tại nhà hàng Ẩm thực suối Phiêng Lơi.

Bảo tồn, phát huy xòe Thái

Những năm qua, tỉnh Điện Biên thường xuyên quan tâm phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa xòe Thái. Ngành Văn hóa tỉnh nói riêng, chính quyền các cấp, các nghệ nhân và những người yêu văn hóa Thái đã dành nhiều tâm huyết, nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn, truyền dạy cũng như phổ biến rộng rãi về nét đẹp của loại hình nghệ thuật này.

Ngày 9/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2876/KH-UBND về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, đề ra mục tiêu cụ thể đối với nghệ thuật xòe Thái là thí điểm thành lập 10 mô hình câu lạc bộ thực hành “”Nghệ thuật xòe Thái” tại các huyện, thị xã, thành phố nắm giữ di sản. Nghiên cứu, hỗ trợ để các di sản văn hóa trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, trong giai đoạn 2024 – 2025 sẽ triển khai công tác kiểm kê, rà soát, đánh giá hiện trạng, kết hợp nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tư liệu; hỗ trợ mở các lớp truyền dạy nghệ thuật xòe Thái tại cộng đồng.

Tại thị xã Mường Lay, theo kế hoạch, trong năm 2023, thị xã sẽ thành lập 2 câu lạc bộ xòe Thái tại phường Na Lay và xã Lay Nưa. Ông Quàng Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Mường Lay, cho biết: Nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật xòe Thái, thị xã sẽ chú trọng đưa nội dung về di sản “Nghệ thuật xòe Thái” vào tài liệu giáo dục địa phương. Đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện cho các câu lạc bộ, các nghệ nhân trao truyền, hướng dẫn thực hành di sản trong cộng đồng cho thế hệ kế cận.

“Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”, đồng bào Thái có câu ca như vậy để nói lên ý nghĩa của điệu xòe trong đời sống sinh hoạt. Ít cuộc vui nào, ngày hội nào của người Thái lại vắng bóng điệu xòe, xưa đã thế và nay cũng vậy. Để rồi, mỗi dịp tết đến, xuân về hay trong các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, ngày lễ hội, bước chân xòe lại dậm dịch bên sàn và nhịp trống xòe cũng rộn ràng khắp các bản. Cứ như thế, đời này qua đời khác, xòe Thái luôn tưng bừng để tô đẹp sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top