ĐBP - Qua 3 đợt xét tặng, tỉnh ta hiện có 41 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Một đời cống hiến, gìn giữ và phát triển vốn quý di sản văn hóa, họ chính là những “báu vật nhân văn sống”, là “dòng chảy” lưu truyền giá trị văn hóa, nhân văn của dân tộc qua các thế hệ và cho đến mai sau.
Buổi lễ long trọng công bố và trao danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” cuối tháng 11/2022 vừa qua, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mãi là dấu mốc tự hào, đẹp đẽ, tiếp thêm nhiều động lực cho một đời gìn giữ di sản văn hóa dân tộc của ông Quàng Văn Cá. Ông Cá sinh năm 1960, là nghệ nhân người Khơ Mú, bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, nắm giữ loại hình di sản văn hóa phi vật thể về tập quán xã hội và tín ngưỡng. Để nhận được danh hiệu cao quý này, ông Cá kể lại: “Thời còn nhỏ, tôi thường theo gia đình đi xem các lễ hội xên bản, cầu mùa, cầu mưa... tò mò tới chỗ các thầy cúng ngồi khấn để nghe và xem họ làm lý. Rồi cùng bạn bè trong bản tham gia phần hội, bắt chước nhảy theo các điệu múa, dần dần các nghi thức lễ hội, câu ca, điệu múa truyền thống của dân tộc đều in đậm trong trí nhớ tôi. Đến năm 1982 tôi được các thầy cúng trong bản cho theo để giúp việc. Những năm tiếp theo, được dân bản tín nhiệm, chọn làm thầy cúng chính trong các nghi lễ của bản”.
Với sự am hiểu văn hóa dân tộc, từ năm 2016 - 2019, ông Quàng Văn Cá được tỉnh chọn làm đại diện bà con dân tộc Khơ Mú đến sống, làm việc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội; tham gia, hướng dẫn, giới thiệu, trình diễn các lễ hội truyền thống và quảng bá các nét đẹp về văn hóa, tri thức, ẩm thực, các sản phẩm thủ công... của dân tộc Khơ Mú tới đông đảo du khách trong và ngoài nước. Sau đó ông trở về địa phương, tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, truyền dạy cho thế hệ sau. “Là người con Khơ Mú, tôi chỉ nghĩ gìn giữ, lan tỏa và trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình là trách nhiệm hiển nhiên của bản thân. Không ngờ tình yêu văn hóa dân tộc ấy của tôi được ghi nhận, vinh dự trở thành “Nghệ nhân ưu tú”, đây là động lực để tôi cống hiến nhiều hơn nữa” - ông Cá chia sẻ.
Trong các nghệ nhân ưu tú của tỉnh nhà, nổi tiếng cặp chị em Quàng Thị Dua, Quàng Thị Típ, bản Púng Giắt, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà. 2 chị là nghệ nhân nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian, cụ thể là diễn tấu sáo mũi - nhạc cụ độc lạ, có nguy cơ thất truyền của dân tộc Khơ Mú. Học thổi sáo mũi từ năm hơn 10 tuổi, hai chị không chỉ thuần thục diễn tấu, đáp ứng cho các lời ca, điệu múa truyền thống của dân tộc mà còn tự chế tác được loại nhạc cụ này. Là những nghệ nhân tương đối “trẻ” (dưới 50 tuổi), nhiệt huyết, từng được mời đi biểu diễn ở nhiều tỉnh thành trong nước, tuy nhiên việc tìm người truyền dạy, thực sự yêu thích và học thuần thục nhạc cụ này của 2 chị gặp nhiều khó khăn.
Chị Quàng Thị Típ cho biết: “Ngày càng khó tìm người học sáo mũi. Một phần vì việc dùng mũi để lấy hơi, giữ nhịp tạo âm và tiết tấu theo làn điệu dân ca khá là khó. Khi diễn tấu, còn phải vừa thổi vừa múa theo nhịp điệu. Nhưng cái làm nhiều người e ngại hơn cả là quan niệm việc thổi sáo mũi liên quan đến yếu tố tâm linh. Chúng tôi luôn cố gắng khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc, tự hào nghệ thuật thổi sáo mũi cho thế hệ sau nhưng vẫn lo thất truyền”.
Mỗi nghệ nhân đều tâm huyết như thế, đau đáu trọng trách truyền giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên đời người hữu hạn, có những nghệ nhân vẫn muốn cống hiến nhiều hơn nữa nhưng không tránh khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Nếu chúng ta không trân trọng, “khai thác” những “kho báu” di sản văn hóa phi vật thể ấy, việc thất truyền một số tinh hoa văn hóa là điều có thể xảy ra. Tại TX. Mường Lay, ông Giàng Văn Dom, nghệ nhân người Thái, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đã đột ngột ra đi chỉ sau 2 ngày nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Ông mất là nỗi đau xót của gia đình và cộng đồng, là mất mát không gì bù đắp đối với công tác di sản văn hóa, vĩnh viễn mang theo vốn văn hóa quý báu của tổ tiên để lại.
Ông Quàng Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX. Mường Lay chia sẻ: “Mường Lay nổi tiếng với văn hóa dân tộc Thái đặc sắc, cùng với đó có 2 nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Thái được phong tặng, nhưng thật tiếc và buồn khi 1 nghệ nhân mất đi. Ông đã dành cả đời mình gắn bó với các nhạc cụ dân tộc Thái, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa trên địa bàn, truyền dạy chế tác, diễn tấu nhạc cụ cho nhiều con cháu, người đam mê, yêu thích văn hóa. Hiện thị xã chỉ có 1 nghệ nhân, chúng tôi luôn trân trọng, mời ông chủ trì lễ hội tại địa bàn, tạo điều kiện để ông thực hành, trao truyền văn hóa. Thị xã cũng đang xem xét, sắp tới đề nghị công nhận thêm 2 nghệ nhân”.
Những năm qua, Điện Biên luôn quan tâm, tạo điều kiện để các nghệ nhân thực hành di sản. Môi trường và không gian văn hóa để nghệ nhân thực hành di sản không chỉ gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày tại nơi cư trú, mà còn được thể hiện sống động, đầy màu sắc trong các ngày hội, lễ hội và các hoạt động, sự kiện văn hóa do Trung ương và địa phương tổ chức. Đặc biệt, các nghệ nhân tỉnh nhà có mặt tại nhiều sự kiện lại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, những ngày văn hóa du lịch tỉnh Điện Biên tại một số tỉnh, thành phố trong nước... Thông qua đó giúp nghệ nhân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo tồn di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, nghệ nhân có vai trò vô cùng quan trọng, là “linh hồn”, “báu vật sống” trực tiếp tham gia lưu giữ, sáng tạo, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghệ nhân là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại với tương lai thông qua bản sắc văn hóa các dân tộc. Bởi vậy, người nghệ nhân đáng được trân trọng, cũng như những giá trị văn hóa tốt đẹp cần được tiếp thu, kế thừa.