ĐBP - Hàng năm, sau tết Nguyên đán, bà con người Thái trắng ở bản Pa Có, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) lại tổ chức “Lễ cúng bản”. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, phản ánh khát vọng vươn lên, mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây.
Trước khi tiến hành lễ cúng bản khoảng một tuần, người dân trong bản tổ chức cuộc họp để chọn và ấn định ngày tổ chức lễ cúng; đồng thời bầu ra một người đàn ông lớn tuổi, am hiểu phong tục tập quán, có uy tín trong bản, được mọi người quý mến, kính trọng làm chủ lễ. Vào giờ tốt, ngày đẹp đã định, chủ lễ và dân bản sẽ tập trung tại địa điểm linh thiêng của bản để thực hiện những nghi thức cúng bản.
Người Thái trắng nơi đây quan niệm thế giới tâm linh có Thần linh (các vị thần núi, rừng, sông, suối…) và Tổ tiên (những người có công sáng lập ra bản) nên khi cúng, thầy cúng sẽ đọc lời khấn mời các vị Thần linh và Tổ tiên về hưởng lễ vật. Sau đó, mọi người mới khấn nguyện, cầu mong các đấng thần linh và tổ tiên phù hộ cho dân bản có sức khỏe, bản được bình yên, đoàn kết, làm ăn may mắn, nương rẫy cho mùa màng bội thu, ao suối có nhiều cá, chuồng trại có nhiều gia súc, gia cầm.
Khi thầy cúng kết thúc thực hành lễ, mọi người sẽ chế biến vật hiến sinh (lợn, gà) và tổ chức thụ lễ ngay tại khu vực làm lễ cúng. Hoàn tất mọi việc, thầy cúng sẽ đi ra đầu bản và cuối bản thực hiện nghi thức cắm “Ta leo” (dấu hiệu cấm kị) nhằm ngăn chặn các tai họa, xui xẻo xâm nhập vào bản.
Một số hình ảnh trong lễ cúng bản Pa Có: