Đưa nghệ thuật biểu diễn vào phục vụ du lịch

14:57 - Thứ Năm, 22/06/2023 Lượt xem: 6335 In bài viết

Thay vì chỉ tập trung chờ đợi được đầu tư xây dựng các chương trình, điểm biểu diễn cố định như một thương hiệu riêng trong thu hút khách du lịch, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chủ động “bắt tay” với các đơn vị du lịch, nhất là lĩnh vực du lịch văn hóa.

Bên cạnh sự linh hoạt trong hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp, nhiều dự án mới được “rục rịch” triển khai, mang lại nhiều hy vọng cho sự phát triển tốt hơn cho cả nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa -  2 trong số 12 lĩnh vực nằm trong chiến lược phát triển các công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đa dạng sản phẩm để thu hút khách

“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã huy động 100% quân số, không còn diễn viên để phân bổ cho bất cứ chương trình nào khác”. Đây là lời “than” đầy… hạnh phúc của NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam khi chia sẻ với chúng tôi về mùa biểu diễn hè năm nay. Hoạt động sôi động trở lại ngay trong mùa biểu diễn hè đầu tiên sau đại dịch COVID-19, các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam tất bật với hàng loạt chương trình biểu diễn mới và cả những chuyến lưu diễn dài ngày.

Biểu diễn múa rối nước phục vụ khách tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Theo NSND Tống Toàn Thắng, hiện nay, Liên đoàn đang tập trung nhiều diễn viên cho “Tấm Cám 2023: Bống bống – bang bang” – vở diễn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng và cũng là chương trình nghệ thuật trọng tâm của Liên đoàn trong mùa hè năm nay tại Rạp Xiếc Trung ương. Nhiều nghệ sĩ đang theo đoàn đi lưu diễn, biểu diễn 18 buổi tại Nhà hát Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh, biểu diễn 13 buổi chương trình “Chúa tể rừng xanh” tại Hà Đông và tỏa đi nhiều nơi để kịp thời phục vụ nhu cầu của khán giả, trong đó có những địa chỉ du lịch nổi tiếng.

Tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn – tổ hợp vui chơi giải trí đa năng, thu hút nhiều du khách tại Hà Nội nói riêng, phía Bắc nói chung, năm nay, Liên đoàn phối hợp biểu diễn cùng Nhà hát Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội. Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã nhận lời mời biểu diễn phục vụ du khách liên tục trong 2 tháng hè tại Công viên Rồng ở Hạ Long, Quảng Ninh.

Du khách yêu thích nghệ thuật múa rối, khi đến với TP Hồ Chí Minh, địa chỉ được ưu tiên hàng đầu phải kể đến là Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng. Tại Thủ đô Hà Nội, địa chỉ không thể không nhắc đến là Nhà hát Múa rối Thăng Long. Trừ thời điểm ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều năm trở lại đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng là một trong số ít điểm biểu diễn tại Hà Nội thu hút khán giả quanh năm. Vào dịp cuối tuần, du khách dạo quanh phố đi bộ Hồ Gươm còn có dịp thưởng thức, tìm hiểu nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo khác như Tuồng, Chèo, Cải lương, hát Xẩm, Ca trù…

Mặc dù không chuyên về biểu diễn nghệ thuật nhưng thời gian gần đây, nhất là vào mỗi dịp hè, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội cũng đã trở thành điểm tổ chức biểu diễn múa rối và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan tại đây. Tuy nhiên, khác với các nhà hát biểu diễn múa rối chuyên nghiệp, Khu thủy đình nhỏ xinh nằm trong khuôn viên của Bảo tàng lại là điểm để du khách xem biểu diễn múa rối và giao lưu cùng nhiều nghệ nhân dân gian của các làng rối, phường rối cổ nổi tiếng một thời như Tế Tiêu (Mỹ Đức, Hà Nội), Nam Chấn (Nam Định)…

Dịp hè năm nay, ngoài múa rối nước, du khách ghé thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn có dịp tìm hiểu Múa rối độc diễn đương đại cùng nghệ sĩ Dương Văn Học và xem biểu diễn nhiều tiết mục nghệ thuật dân gian của một số quốc gia khác.

Cần thêm nhiều sự hỗ trợ

Thực tế, việc kết hợp nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống trong phục vụ du lịch không mới. Từ nhiều năm trước, nhiều nơi đã lựa chọn, đưa nghệ thuật biểu diễn đặc sắc nhất của địa phương, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, mặc dù có thể có những sản phẩm chỉ “ăn theo” từng mùa vụ du lịch. Từ chỗ hoạt động tự phát, các hoạt động biểu diễn phục vụ du lịch được nhiều địa phương quan tâm đầu tư ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn. Điển hình phải kể đến Hát Xoan ở Phú Thọ, Dân ca Quan họ ở Bắc Ninh, ca Huế ở vùng đất cố đô Huế, Đờn ca tài tử ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là miền Tây…

Với các du khách yêu thích tìm hiểu nghệ thuật biểu diễn và nhiều đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, mới đây được đón nhận một thông tin khá vui. Đó là  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định phê duyệt triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển sản phẩm nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch”. Theo đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ triển khai tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh và nghệ thuật đương đại nghệ thuật truyền thống gắn với không gian phố cổ Hà Nội.

Dự kiến, chuỗi chương trình sẽ gắn liền với thương hiệu của 12 nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với 2 nhóm sản phẩm. Trong đó, sản phẩm sân khấu thực cảnh diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long với thời lượng khoảng 60 phút, huy động sự hợp lực của các tác giả, đạo diễn tên tuổi cùng lực lượng nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ. Các chương trình biểu diễn sân khấu có thời lượng từ 40-45 phút được tổ chức tại các địa điểm chung quanh phố cổ.

NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, từ trước khi có quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, anh đã có ý tưởng thực hiện chương trình biểu diễn tại Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm, Hà Nội). Dự kiến, đây sẽ là sản phẩm nghệ thuật hướng tới phục vụ khách du lịch, “kể” câu chuyện cách đây cả trăm năm, dựa trên hình thức sân khấu tương tác bốn mặt, tái hiện bối cảnh không gian gian cũ, nhân vật cũ, để khi khán giả bước vào sẽ có cảm xúc trọn vẹn nhất.

Nhà hát Tuổi trẻ cũng cho biết, đơn vị đã có ý định sẽ tận dụng không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông để kể câu chuyện về Hà Nội và con người Hà Nội hôm nay. Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đang triển khai cải tạo sân khấu Rạp Xiếc Trung ương, hướng tới tổ chức biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật hơn, thay vì chỉ có sân khấu tròn chuyên phục vụ biểu diễn nghệ thuật Xiếc…

Hiện các nhà hát chuẩn bị sẵn sàng cả về ý tưởng lẫn nhân lực, vật lực để thu hút du khách đến thưởng thức nghệ thuật. Nhưng như NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ, đơn vị từng chuẩn bị những chương trình rất hấp dẫn, trong đó có múa rối “Âm vang đồng quê” để hướng tới phục vụ khách du lịch sau đại dịch COVID-19. Nhà hát đã phối hợp với Tổng cục Du lịch, mời các đơn vị lữ hành đến xem và góp ý. Các đại biểu đều nhận xét chương trình rất hay, thú vị nhưng để thu hút du lịch thì cần nhiều điều kiện khác mà Nhà hát không đáp ứng được, trong đó có các dịch vụ phụ trợ như mua sắm, ẩm thực, vui chơi, hay vị trí Nhà hát cũng không thuận lợi.

NSND Tống Toàn Thắng cũng cho rằng, thông qua du lịch, nghệ thuật biểu diễn có nhiều cơ hội tiếp cận đông đảo khán giả, tăng hiệu quả quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống, đồng thời có thêm nguồn thu để quay trở lại tái đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị. Ở chiều ngược lại, du lịch có thêm cơ hội đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao lợi thế cạnh tranh, sức hấp dẫn của điểm đến, khai thác tốt hơn cơ sở vật chất sẵn có, từ đó tăng cường khả năng thu hút khách.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả mong muốn, các đơn vị cần có thời gian, được hỗ trợ đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất ban đầu, địa điểm biểu diễn thuận lợi và có sự đầu tư chiều sâu, lâu dài, nhằm chuẩn bị chương trình biểu diễn có chất lượng tốt nhất, phù hợp nhất, có kế hoạch quảng bá bài bản, tiếp cận đúng đối tượng cần phục vụ. 

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top