Vang mãi “Bản hùng ca bất diệt”

09:15 - Thứ Tư, 26/07/2023 Lượt xem: 7754 In bài viết

ĐBP - Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Ðiện Biên, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Cầu Truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Bản hùng ca bất diệt” với lòng thành kính, tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Với thời lượng khoảng 90 phút nhưng chương trình đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả...

Chiến sĩ Ðiện Biên về tham dự chương trình, thăm mộ đồng đội đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

Ngàn ánh nến tri ân

Chương trình được mở đầu với phần lễ trọng thể “Tiếng chuông tưởng niệm, thắp nến tri ân”. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban ngành, địa phương đã thực hiện nghi thức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương và Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

Tại Nghĩa trang Hàng Dương, các đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, địa phương cùng 150 đoàn viên, thanh niên thắp sáng hơn 3.000 ngọn nến trên từng phần mộ để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hơn 3.000 ngọn nến lung linh soi sáng từng ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước tại 4 khu A, B, C, D của Nghĩa trang Hàng Dương để bày tỏ sự biết ơn vô hạn với sự hi sinh anh dũng của các thế hệ cha ông.

Còn tại Ðiện Biên, hàng trăm ánh nến lung linh cũng được thế hệ trẻ thắp lên như một lời tri ân sâu sắc. Và đó cũng là lời nhắc nhở thế hệ trẻ trân quý giá trị của độc lập, tự do để thêm quyết tâm giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc, ra sức xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. Em Phạm Thị Bích Ngân, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên chia sẻ: “Em cảm thấy rất vinh dự tự hào khi được tham gia chương trình này. Không chỉ hoành tráng ở khâu tổ chức mà còn mang ý nghĩa lớn lao, nói lên sự hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ cho Tổ quốc. Ðây cũng là dịp để thế hệ trẻ chúng em có hiểu biết sâu sắc hơn nữa, từ đó, cố gắng học tập để xây dựng đất nước, đền đáp công ơn của các anh hùng liệt sĩ.”

Phát biểu khai mạc tại chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay vẫn còn gần 200.000 liệt sĩ nằm lại trên chiến trường xưa, gần 300.000 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi, quê hương; hàng triệu thương binh, bệnh binh đã mất đi một phần máu thịt, sức khỏe và tuổi thanh xuân. Nghĩa trang Hàng Dương và Nghĩa trang Liệt sĩ A1 là hai trong số hàng ngàn “địa chỉ đỏ” biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, hi sinh của các thế hệ cha anh.

“Từ đỉnh Ðồi A1 đến Côn Ðảo - Bàn thờ thiêng của Tổ quốc, chúng ta hãy cùng thắp lên những ngọn nến, nén nhang để tưởng nhớ, tri ân hàng triệu anh hùng, liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Lịch sử và dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông cùng với những “Thiên anh hùng ca bất diệt” để giành lại được hoà bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc ta, non sông ta, đất nước ta”.

Bản hùng ca vang mãi

Sau phút giây xúc động của lễ thắp nên tri ân, Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” tiếp tục đưa khán giả đến những tiết mục đầy màu sắc với mạch tri ân, tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, trân trọng giá trị của độc lập tự do và khát vọng hướng tới tương lai. Màn biểu diễn nghệ thuật được kết cấu thành 3 chương, lần lượt với tên gọi: “Việt Nam máu và hoa”, “Những cánh hoa bất tử” và “Khúc ca hòa bình”. Ðiều đặc biệt là chương trình được diễn ra tại 2 điểm cầu Ðiện Biên - Côn Ðảo, có sự đan xen, kết nối giữa những tiết mục với nhau nhưng rất liền mạch, như đang kể một câu chuyện linh thiêng, xúc động cho khán giả xem trực tiếp lẫn xem qua truyền hình...

Nếu như ở miền đất đỏ, câu chuyện về người con gái và loài hoa lê - ki - ma đã trở thành huyền thoại, thì ở đất trời Tây Bắc, sắc hoa ban, màu lúa chín vàng lại nhắc nhớ về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 69 năm, và để làm nên chiến thắng, biết bao chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã nằm lại nơi đây. Và ngay bên phần mộ Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Ðàn tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1, những người đồng đội năm xưa của anh đứng lặng lại một bên để lắng nghe bài hát “Bế Văn Ðàn sống mãi”. Giai điệu, ca từ bài hát hòa cùng làn khói hương, ánh nến lung linh trên mộ phần người anh hùng dân tộc đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả...

Các tiết mục cũng nhắc cho khán giả nhớ thêm đất mẹ Việt Nam đã nhuốm máu những người con ưu tú, sẵn sàng xung phong, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để có được hòa bình, độc lập tự do. Những hình ảnh đó được hiện lên qua lời kể của những Chiến sĩ Ðiện Biên, những cựu tù Côn Ðảo từ hai điểm cầu. Ða số những điều đó nhiều khán giả đã được học, được nghe, được tìm hiểu qua sử sách. Thế nhưng hôm nay được hiện lên chân thực với những “nhân chứng sống” cùng những hồi ức về một thời oanh liệt… Thêm một lần nữa, khán giả xem chương trình không giấu nổi niềm cảm xúc tự hào, xúc động trước những hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và càng thêm biết ơn, trân trọng giá trị của độc lập, tự do ngày hôm nay...

Còn nhiều tiết mục để lại ấn tượng khác như hòa tấu đàn dây Trở về đất mẹ do sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn. Hay trong phần kết thúc chương trình, các cựu chiến binh tại điểm cầu Ðiện Biên cùng hát vang liên khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân - Tiến bước dưới quân kỳ cùng các nghệ sĩ, diễn viên cả 2 điểm cầu...

Phải khẳng định rằng, chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” lần đầu tiên được tổ chức điểm cầu tại Ðiện Biên là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng tới Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhằm tri ân công lao to lớn của các thế hệ cha anh. Và âm vang từ “Bản hùng ca bất diệt” về những anh hùng trên đất nước Việt Nam sẽ còn vang mãi, tiếp thêm động lực để thế hệ trẻ hôm nay dựng xây quê hương, đất nước với tinh thần tự hào quá khứ, hướng tới tương lai...

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top