Cần sự bứt phá để sân khấu tìm được chỗ đứng vững vàng trong đời sống

10:35 - Thứ Sáu, 18/08/2023 Lượt xem: 6346 In bài viết

Sau hai năm "ngủ đông" bởi đại dịch Covid-19, hoạt động sân khấu trở nên sôi nổi với các liên hoan, hội diễn được tổ chức liên tục. Nhiều đơn vị nghệ thuật đầu tư công phu dựng vở diễn mới, xây dựng kịch mục phong phú nhằm tìm lại khán giả. Dù bức tranh tổng thể có vẻ sôi động nhưng nếu quan sát kỹ, không khó thấy vẫn còn đó những khó khăn tồn đọng bấy lâu chưa được giải quyết, đòi hỏi cần có một sự bứt phá ngoạn mục để sân khấu tìm được chỗ đứng vững vàng trong đời sống hiện nay.

Vở kịch thiếu nhi “Bí mật trăm đốt tre” của Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. (Ảnh: C.T.V)

Chỉ trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023 đã có tới gần chục cuộc thi cũng như liên hoan nghệ thuật sân khấu với quy mô toàn quốc và quốc tế. Tiêu biểu như: Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc, Liên hoan Sân khấu Thủ đô, Liên hoan Cải lương toàn quốc, Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế, Liên hoan Chèo toàn quốc...

Mỗi liên hoan, hội diễn thu hút một số lượng lớn đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ tham gia, đồng thời số lượng giải thưởng, huy chương được trao cũng không hề nhỏ. Như Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc 2023 diễn ra tại Hà Nam vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua đã trao tới 54 Huy chương vàng, 60 Huy chương bạc. Hay Liên hoan Chèo toàn quốc trước đó, Ban tổ chức cũng trao 47 Huy chương vàng, 52 Huy chương bạc cho vở diễn và các cá nhân nghệ sĩ.

Sau thời gian dài phải chịu cảnh "ngủ đông" vì ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sự thức giấc sôi động của sân khấu cũng như nhiều ngành nghệ thuật khác là điều đáng mừng vì các nghệ sĩ được quay trở lại với công việc của mình. Ðồng thời những "bữa tiệc sân khấu" nhiều màu sắc như vậy sẽ góp phần làm phong phú đời sống nghệ thuật, giúp khán giả có thêm nhiều lựa chọn thưởng thức. Một thực tế đáng ghi nhận là ngoài việc hoàn thiện hay dàn dựng vở diễn mới để tham gia các cuộc thi, các liên hoan sân khấu, nhiều đơn vị nghệ thuật từ bắc tới nam cũng đã nỗ lực kéo khán giả quay lại rạp hát.

Song, bài toán tìm kiếm khán giả của sân khấu vẫn gây không ít băn khoăn. Trước tiên nói về các cuộc thi, dù có nhiều đơn vị nghệ thuật, vở diễn, nghệ sĩ nhưng chất lượng nghệ thuật không đồng đều. Các vở diễn gây ấn tượng mạnh về cả nội dung lẫn hình thức còn ít. Ðáng chú ý là sự trùng lặp ý tưởng. Chẳng hạn Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc có tới 6 đơn vị cùng đăng ký dự thi trích đoạn "Ðôi lứa xứng đôi" chuyển thể từ truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao.

Ðiều này cho thấy sân khấu vẫn đang đi theo lối mòn trong chọn đề tài, biểu diễn, thể hiện sự khó khăn về kịch bản. Rõ ràng đang có một sự thiếu hụt tác giả sân khấu, nhất là tác giả trẻ, đặc biệt trong sân khấu truyền thống. Hoặc Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 có 27 vở diễn tham gia nhưng chỉ có 7 tác giả kịch với những tên tuổi quen thuộc.

Thiếu tác giả kịch bản, thiếu đạo diễn như vậy, sân khấu không thể có nhiều bất ngờ, tạo sự hấp dẫn thu hút khán giả, càng rất khó cạnh tranh với các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh vì luôn bổ sung nhân tố mới hằng ngày, hằng giờ.

Về đạo diễn thì cũng không khá hơn, các nghệ sĩ không còn lạ lẫm khi thấy một liên hoan mà có đạo diễn "sở hữu" tới 5-6 vở. NSND Lê Hùng là một thí dụ, liên hoan nào cũng thấy nhiều đoàn dựng vở do ông làm đạo diễn. Mặc dù không muốn xuất hiện nhiều như vậy nhưng vị đạo diễn gạo cội này cho biết: Không có đạo diễn trẻ, các đoàn cứ thiết tha mời thì ông đành phải nhận lời.

Có thể nhìn thấy ngay qua mỗi kỳ hội diễn đang vô cùng thiếu vở diễn hay về các đề tài đương đại. Dường như dàn dựng vở diễn về đề tài lịch sử, dân gian vẫn là lựa chọn của nhiều đơn vị sân khấu. Ðơn cử, tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc, trong tổng số 106 trích đoạn, có tới 85 trích đoạn thuộc các loại hình nghệ thuật kịch hát truyền thống. Lãnh đạo một số nhà hát cho biết, họ không ngại dựng vở đề tài hiện đại, thậm chí còn rất muốn, nhưng ngặt nỗi "đốt đuốc" không tìm ra kịch bản hay. Ðây là lý do cơ bản.

Hiện tượng "cạn nguồn" nhân lực trong sân khấu thực tế cũng đang ở mức báo động. Thoạt nhìn có vẻ sân khấu vẫn đông đảo nghệ sĩ tham gia, nhất là qua các kỳ hội diễn, nhưng kỳ thực người trẻ và giỏi rất hiếm, nhất là ở địa hạt sân khấu truyền thống. Chèo, tuồng, cải lương thiếu hụt đội ngũ kế cận trẻ tuổi, vẫn phải trông đợi vào lực lượng nghệ sĩ lớn tuổi lành nghề. Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022, khán giả chứng kiến nhiều đoạn hát chênh phô, quên lời, rơi đạo cụ, thậm chí còn "nói ngọng"... Không thể không lo ngại về công tác đào tạo đội ngũ kế cận bao gồm tác giả trẻ, đạo diễn trẻ và nghệ sĩ trẻ hiện nay.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào số lượng huy chương được trao trong các kỳ hội diễn thì có vẻ sân khấu không đáng lo đến vậy? Ngay chính người trong nghề cũng thừa nhận có hiện tượng "huy chương non" trong công tác chấm và trao giải. Nhiều ý kiến lo ngại rằng quy chế xét tặng danh hiệu nghệ sĩ dựa trên số lượng huy chương đang khiến cho các kỳ hội diễn trở thành nơi "chạy đua" của nghệ sĩ, nảy sinh nguy cơ "lạm phát huy chương". Chẳng khó để thấy, một số vở diễn đi thi thì giành huy chương nhưng lại không nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.

Có thể thấy rằng để tồn tại, sân khấu luôn cần khán giả. Sân khấu đã để mất khán giả trong mấy thập kỷ gần đây. Ngoài một số đơn vị nghệ thuật còn giữ được phong độ dựng vở mới, tổ chức được nhiều buổi diễn ở các thành phố lớn thì không ít đơn vị, nhất là các đoàn nghệ thuật địa phương, để "sáng đèn" thường xuyên là vô cùng gian nan. Từ đó, không ít nghệ sĩ phải bươn chải làm thêm nhiều nghề để kiếm sống.

Do đó việc tổ chức liên hoan là cần thiết để tạo môi trường giao lưu, học hỏi cho các nghệ sĩ, nhưng quan trọng không kém là cần tập trung vào các giải pháp để thu hút khán giả tìm đến, giúp nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề. Có thể thấy sân khấu đang thực sự cần một chiến lược toàn diện với sự đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn đào tạo nhân lực, công tác truyền thông, quảng bá, dịch vụ... cho phù hợp với xu thế hiện nay cũng như tâm lý thưởng thức nghệ thuật của công chúng hiện đại.

Theo đó, mỗi đơn vị phải chủ động tìm kiếm kịch bản hay, có thể đặt hàng tác giả với những đề tài được khán giả quan tâm. Không thể khiến rạp hát đầy ắp khán giả nếu nội dung vở diễn thiếu hấp dẫn. Kịch bản là khâu đầu tiên, là bột để "gột" nên một tác phẩm sân khấu, vì thế việc đầu tư thích đáng cho kịch bản là việc người đứng đầu các đơn vị sân khấu phải quan tâm, không thể có tâm lý chờ đợi tác giả gửi kịch bản đến, nếu phù hợp thì dàn dựng. Cùng với đó, vấn đề hiện đại hóa, đổi mới cách thức dàn dựng, biểu diễn cũng là một yêu cầu sống còn của sân khấu.

Trong khi nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác đã đi rất xa trong ứng dụng các thành tựu công nghệ vào sáng tạo nội dung tác phẩm, thì sân khấu vẫn còn chậm thay đổi phương thức biểu hiện. Ðã đến lúc sân khấu càng phải hiện đại hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu, tạo hình... làm sao để vừa giữ được bản sắc của từng loại hình, vừa phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của công chúng, nhất là trong thời kỳ bùng nổ công nghệ hiện nay.

Ðể giải quyết những khó khăn trong vấn đề tài chính của các đơn vị nghệ thuật, thiết nghĩ các nhà hát cần phải linh động thích ứng trong các hoạt động biểu diễn, chủ động với công tác xã hội hóa chứ không chỉ trông đợi vào sự bao cấp của Nhà nước, nhất là những đơn vị công lập. Khi một vở diễn được xem là loại hàng hóa đặc biệt thì công tác "bán hàng" với những dịch vụ hấp dẫn phải được chú trọng hàng đầu. Hiện nay, một số đơn vị làm tốt công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm rất đáng để học tập, thí dụ như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội... Ðầu tiên là bám sát đối tượng khán giả, nhất là khán giả trẻ, các nhà hát đã không ngừng đổi mới cách thức dựng vở và bán vé. Tận dụng các tiện ích của công nghệ, các nhà hát phát hành vé điện tử, thanh toán online, lập fanpage quảng cáo vở diễn mới, tổ chức các "mini game" để hút lượng khán giả truy cập, trao tặng giải thưởng bằng vé xem vở diễn...

Các hoạt động sôi nổi như vậy đã thu hút sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật, nhờ đó lượng khách mua vé thưởng thức các đêm diễn cũng tăng dần lên. Ở phía nam, nhờ phong trào xã hội hóa sân khấu diễn ra từ lâu nên một số đơn vị sân khấu "sống khỏe" nhờ lượng vé phát hành ra. Ðồng thời, trong chiến dịch tìm kiếm khán giả, tìm lại chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả, cùng với sự nỗ lực của mỗi đơn vị nghệ thuật vẫn luôn cần sự đồng hành, tạo điều kiện của hội nghề nghiệp, của ngành văn hóa nói chung.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top