Văn hoá và sự sống còn của một dân tộc

17:22 - Thứ Hai, 28/08/2023 Lượt xem: 8411 In bài viết

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương về văn hóa, tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và 2 năm triển khai tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021… Tất cả những điều đó minh chứng tư tưởng và ý chí của Đảng về vấn đề văn hóa đối với cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc và mang lại một đời sống có lý tưởng, có ý nghĩa cho con người Việt Nam.

Năm 1946, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Văn hóa soi đường quốc dân đi". Và 75 năm sau, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Văn hóa còn là dân tộc còn". Những tuyên ngôn mang tầm tư tưởng về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau này là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định văn hóa là sự sống còn của một dân tộc. Nếu không có văn hóa hoặc không coi trọng văn hóa thì một dân tộc sẽ sống trong bóng tối và không thể tìm thấy con đường cho dân tộc đó đi tới những giá trị lớn lao của con người, cho dù dân tộc đó giàu có bao nhiêu về vật chất.

Lịch sử nhân loại chứng minh rằng: văn hóa là con đường và tất cả những điều còn lại phải đi trên con đường đó như chính trị, kinh tế, giáo dục… Trước khi các hình thái của một nhà nước được hình thành thì văn hóa đã tạo ra một không gian sống với những giá trị nhân văn cho con người và dẫn dắt những bước đi của con người. Một nền chính trị cao nhất là nền chính trị chứa đựng những vẻ đẹp văn hóa và chủ nghĩa nhân văn. Đấy là nền chính trị mang tới cho mỗi con người sự tự do, dân chủ, tình yêu thương, sự công bằng, tiến bộ và sự dâng hiến.

Tôi từng mang một ví dụ có vẻ khôi hài nhưng nó có khả năng minh chứng về sự kỳ diệu của văn hóa như một phép thiêng. Một con gà sống trong lồng bạc, ăn những hạt kê kim cương, móng và cựa bọc vàng cũng không bao giờ trở thành một con người với những vẻ đẹp nhân văn cao cả bởi nó không có khả năng tiếp nhận những giá trị của văn hóa. Trong khi đó, một con người dù phải sống trong bóng tối của nô lệ, trong sự chết chóc của chiến tranh và trong sự đói nghèo vẫn mang tư tưởng và giấc mơ đi tới tương lai ngập tràn ánh sáng. Vì con người chứa đựng trong con người họ những vẻ đẹp của văn hóa và từ đó họ biết ước mơ và hành động cho ước mơ đẹp đẽ ấy. Văn hóa làm cho con người biết tự trọng, biết chia sẻ, biết phân biệt Thiện Ác, biết hy sinh cá nhân mình và dâng hiến cho cộng đồng.

Trong các bài phát biểu và trong các tác phẩm của mình về cuộc đấu tranh chống tham nhũng và về nhân cách sống của con người Việt Nam hôm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trực tiếp hoặc gián tiếp đặt văn hóa như một nền tảng tối thượng cho mọi suy nghĩ và hành vi của con người trước nhân dân và trước dân tộc. Những cán bộ đảng viên đã gục ngã bởi lòng tham và sự vô cảm trước đồng loại là những người đã rời xa bản chất của văn hóa. Đổ vỡ một nền kinh tế có thể phục hồi trong một thế hệ, nhưng đổ vỡ những nền tảng của văn hóa trong đời sống của một dân tộc có khi phải mất mấy thế hệ mới có thể phục hồi. Người ta chỉ mất 10 giây để ném một bọc rác từ một chiếc xe hơi xuống nơi công cộng, nhưng để có người đi qua và tự giác cúi xuống nhặt để bỏ vào thùng rác có khi phải mất cả 100 năm và hơn nữa. Sự hình thành một hành vi văn hóa là một quá trình dài mà nhân loại không có đường đi tắt.

Trong ngày khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sau mấy năm bị COVID-19 tàn phá, tôi đã phát biểu rằng: Chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã và đang lấp đầy những con phố trống rỗng bởi mất mát, đau thương trong những ngày đại dịch COVID-19 bằng sự hồi sinh của nhịp sống và sự phục hồi kinh tế. Nhưng còn những khoảng trống rỗng trong tâm hồn con người thì chỉ có những vẻ đẹp văn hóa mới có thể lấp đầy. Nếu không lấp đầy được sự trống rỗng trong tâm hồn của con người thì không có gì có thể giúp con người chạm vào hạnh phúc thực sự.

Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay, trong mỗi lễ nhậm chức của Tổng thống, Nhà trắng đều mời một nhà thơ Mỹ đến đọc thơ. Và các trí thức Mỹ gọi những bài thơ ấy là bản tuyên ngôn thứ 2 của nước Mỹ. Bản tuyên ngôn thứ nhất là bản tuyên ngôn về lập hiến, lập pháp của nước Mỹ. Còn bản tuyên ngôn thứ hai mà các nhà thơ đại diện là bản tuyên ngôn về "lương tri Mỹ". Chỉ khi một dân tộc có lương tri thì đấy mới là một dân tộc hạnh phúc. Và văn hóa là điều duy nhất tạo nên lương tri. Không một thứ gì thuộc về vật chất có thể làm ra lương tri của nhân loại.

Đã từ mấy trăm năm trước, những người nông dân làng Chùa của tôi đã viết lên bức tường đình làng dòng chữ: "Thơ ca không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng". Thơ ca ở đây chính là nói về văn hóa. Chỉ văn hóa mới mang tới cho con người giấc mơ đẹp đẽ về tương lai của mình. Nếu không có giấc mơ, con người không có hành động cho những điều tốt đẹp. Nếu không có giấc mơ con người sẽ cùng khối tài sản của mình chìm sâu trong trong sự u minh mà không thể nào đi tới ánh sáng.

Những người nông dân làng Chùa của tôi cũng nói: "Không có ăn không thể bước đi, không có chữ không nhìn thấy đường". Chữ ở đây chính là văn hóa. Không có văn hóa thì mọi dân tộc trên thế gian này chỉ là một kẻ mù lòa.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 80 năm ngày Đề cương về văn hóa ra đời. Kỷ niệm không phải để nhớ tới một sự kiện hay ca ngợi một sự kiện mà để khẳng định tính chân lý của sự kiện đó, khẳng định tính sống còn của dân tộc thông qua sự lựa chọn con đường của mình. Sự ra đời của Đề cương về văn hóa không phải là một sự kiện thông thường mà đấy là sự chọn đường cho cả dân tộc trong những tháng năm còn sống trong nô lệ cho tới hôm nay và mãi mãi về sau. Đề cương về văn hóa đã được hiện thực hóa một cách sống động trong suốt 80 năm qua và tiếp tục làm nên những giá trị lớn lao cho dân tộc.

Và mỗi giai đoạn của lịch sử dân tộc, tư tưởng của Đề cương về văn hóa năm 1943 của Đảng lại mở rộng, góp phần nâng cao những giá trị văn hóa mới của con người Việt Nam. Con đường của dân tộc Việt Nam đi tới hạnh phúc thật sự cũng như mọi dân tộc khác trên thế giới chỉ là con đường văn hóa. Và tất cả những gì đi trên con đường ấy sẽ làm ra những vẻ đẹp và giá trị sống của con người. Rời bỏ văn hóa nghĩa là rời bỏ con đường của nhân tính. Lúc đó, thế giới dù giàu có về tiền bạc bao nhiêu cũng chỉ là một "khu rừng của hoang thú''.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top