Đón tết miền biên viễn

15:26 - Thứ Ba, 05/09/2023 Lượt xem: 10010 In bài viết

ĐBP - Ngày hội Văn hóa các dân tộc lần thứ VI, năm 2023 được huyện Mường Nhé tổ chức đúng dịp Tết Độc lập. Trên 600 vận động viên, diễn viên quần chúng và các nghệ nhân dân gian từ 11 xã trên địa bàn huyện về tham dự. Cùng với đó là hàng nghìn người dân trong huyện đổ về đây dự ngày hội dù cho giao thông trên trục đường chính của huyện gặp sự cố, vẫn đang trong quá trình khắc phục. Và chúng tôi là những người may mắn được có mặt tại huyện biên giới cực Tây vào những ngày vui rộn ràng ấy…

Tiết mục trong chương trình khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé lần thứ VI, năm 2023.

Rộn ràng ngày hội

Khác với ngày thường, trung tâm huyện Mường Nhé những ngày đầu tháng 9 rực rỡ cờ hoa trên khắp các nẻo đường, tuyến phố. Không khí se lạnh đầu thu của buổi sáng miền sơn cước như được xua tan đi bởi những dòng người xuôi ngược. Ai về chơi hội cũng mặc những trang phục truyền thống dân tộc mới nhất, lộng lẫy nhất của dân tộc mình; không quên mang theo nụ cười trên môi để cùng chào đón ngày trọng đại của đất nước -  Tết Độc lập (2/9).

Giàng Ly Hoa, cô gái dân tộc Hà Nhì xinh xắn đến từ bản Đoàn Kết, xã Chung Chải đang xúng xính váy hoa hòa vào dòng người ấy. Nhiều năm đi học xa nhà, năm nay được đón Tết Độc lập ở quê hương, trong lòng cô gái trẻ không giấu được niềm hân hoan. Máy ảnh trên chiếc điện thoại thông minh hoạt động liên tục để cô lưu lại không khí vui tươi của ngày hội non sông và sự đổi thay từng ngày của quê hương Mường Nhé. Ly Hoa chia sẻ: “Lâu rồi tôi không được về nhà đón Tết Độc lập. Năm nay được về lại đúng một dịp thực sự đặc biệt, rất đông vui nhộn nhịp. Ngay từ đêm khai mạc đã là màn trình diễn ngoạn mục với đa dạng sắc màu độc đáo của các dân tộc: Thái, Mông, Hà Nhì, Dao và nhiều dân tộc khác nữa đang sinh sống trên địa bàn. Các cô gái Thái ở Mường Nhé biểu diễn những điệu múa nhẹ nhàng và uyển chuyển. Các chàng trai, cô gái Mông mang tới đây sự tươi vui, mạnh mẽ đầy khí thế. Các chàng trai, cô gái Hà Nhì sinh sống nơi địa đầu cực Tây Tổ quốc lại cho khán giả thưởng thức màn trình diễn rộn ràng, âm vang. Mỗi dân tộc là một màu sắc, một nét khác biệt, tổng hòa lại với nhau thành một bức tranh đa sắc màu. Rất đẹp và rực rỡ…”.

Gian hàng trưng bày trang phục truyền thống dân tộc Mông của xã Nậm Vì.

Chúng tôi xen vào dòng người, rảo bước trên quảng trường trung tâm huyện Mường Nhé - công trình mới hoàn thành cách đây ít ngày để phục vụ sự kiện lớn nhất năm của địa phương. Hàng dài gian hàng trưng bày của các xã với đa dạng màu sắc văn hóa và các lâm, thổ sản địa phương được dựng lên phục vụ du khách tham quan. Trong nhiều gian hàng nổi bật, khu vực trưng bày của xã Sín Thầu khá độc đáo với những hình ảnh về ngã ba biên giới cùng những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở cực Tây. Sang đến gian hàng của xã Nậm Vì lại đặc trưng các nét của đồng bào Mông - dân tộc chiếm khoảng 90% dân số xã. Trò chuyện với chúng tôi, chị Vàng Thị Ghênh, xã Nậm Vì vừa giới thiệu những sản phẩm trưng bày đặc trưng còn khéo léo quảng bá về quê hương mình bằng một lời mời chân chất: “Người Mông ở Nậm Vì có 3 ngành khác nhau. Mỗi ngành lại có những nét truyền thống mà không bỏ được đâu. Hôm nào mời các anh vào thăm chúng em thì sẽ biết…”.

Không gian Ngày hội còn được mở rộng hơn khi tuyến đường chính khu trung tâm huyện Mường Nhé tạm thời được ngăn lại để tổ chức hoạt động vui chơi các môn thể thao truyền thống, như đẩy gậy, kéo co, ném còn, bịt mắt bắt vịt… Cùng với đó là khu vực Hội chợ thương mại với nhiều sản phẩm tiêu dùng cũng làm cho không khí Ngày hội thêm náo nhiệt. Mặt trời càng lên cao, dòng người đổ về trung tâm huyện càng đông hơn. Không khí lễ hội tràn ngập cả trung tâm huyện biên giới cực Tây…

Giữ gìn hồn dân tộc

Điều chúng tôi dễ dàng cảm nhận ngay khi mới hòa mình vào không khí ngày hội đó là những nét văn hóa của 10 dân tộc trên địa bàn huyện Mường Nhé đều được giữ gìn khá nguyên vẹn. Từ những bộ trang phục truyền thống đến những lời ca, điệu múa. Tất nhiên, trong xu thế hội nhập như hiện nay, việc ảnh hưởng nét văn hóa của dân tộc khác là khó tránh khỏi. Nhưng làm thế nào để hòa nhập chứ không hòa tan lại là điều không hề dễ dàng. Chúng tôi được chứng kiến đội múa khèn dân tộc Mông, xã Mường Toong say mê biểu diễn trước mọi người tới dự hội một bài múa khèn độc đáo. Khoác lên trên mình bộ trang phục truyền thống sặc sỡ sắc màu, trên đầu vấn khăn trắng, vừa thổi khèn, các nghệ nhân vừa nhảy điệu nhảy mạnh mẽ và cũng đầy uyển chuyển. Ấn tượng nhất là trong đội múa có một diễn viên “nhí” chừng hơn 10 tuổi nhưng đã thành thạo những động tác múa truyền thống… Vừa dứt điệu khèn, nghệ nhân Giàng A Khu, xã Mường Toong tâm sự với chúng tôi: “Năm nào cũng thế, cứ có dịp lễ hội là mấy anh em tham gia biểu diễn cho bà con xem. Mọi người đến hưởng ứng đông vui, thích lắm. Thế nên múa khèn không thể bỏ được, phải gìn giữ bản sắc cho con cháu về sau còn biết”.

Nội dung thi đấu môn kéo co trong khuôn khổ Ngày hội.

Chiêm ngưỡng những điệu múa khèn vui tươi, mạnh mẽ rồi cả những cả các cô gái dân tộc Mông xinh đẹp, xúng xính váy hoa đi hội, chúng tôi cảm nhận được đời sống của đồng bào Mông ở Mường Nhé đang dần đổi thay rất nhiều. Không chỉ có đời sống ổn định, kinh tế dần đi lên mà họ còn có điều kiện để khôi phục, gìn giữ các nét văn hóa truyền thống, từ đó hưởng thụ cuộc sống văn hóa tinh thần đầy đủ hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Úy, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé chia sẻ: “Trong những năm qua, Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện đang từng bước lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng và đã trở thành dịp để gặp gỡ, giao lưu chia sẻ, kết nối. Qua đó, góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần nhân dân. Qua đó, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào được quan tâm, nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Những hoạt động, việc làm thiết thực, có ý nghĩa về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo... của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đã góp phần khẳng định sức sống, sự trường tồn của văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện”.

Không chỉ các nét văn hóa của dân tộc Mông, mà tại Ngày hội này, tinh hoa trang phục truyền thống, nghề thủ công, ẩm thực, tri thức, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc khác vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn. Truyền thống lịch sử văn hóa ấy được kết tinh từ sự sáng tạo trong lao động sản xuất, lưu giữ, trao truyền thông qua các thế hệ, sự đoàn kết, gắn bó, tình yêu quê hương, đất nước của 10 dân tộc cùng chung sống. Và dòng chảy lịch sử đã sản sinh, hội tụ, lưu truyền, hòa quyện bản sắc riêng có, để cùng nhau tạo nên nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc tại mảnh đất cực Tây này…

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top