Giải thưởng có làm nên nhà văn?

15:51 - Thứ Ba, 26/09/2023 Lượt xem: 6797 In bài viết

Giải thưởng có làm nên nhà văn không? Không. Nhà văn mới là người làm nên giải thưởng với ý nghĩa sáng tạo tác phẩm văn chương, mà "văn chương là nghệ thuật của ngôn từ", "ngôn từ" chính là "Chữ" đấy. Nhà văn, nhà thơ Pháp gốc Do thái Edmond Jabes nói rằng: "Chữ bầu lên nhà thơ".

Viết phải thế nào để trở thành nhà văn từ chính chữ nghĩa của mình không phải ai cũng làm được. Chứ giải thưởng do người khác trao cho tác giả, còn nhà văn không tự chấm thi trao giải thưởng cho mình.

1. Giải thưởng không làm nên nhà văn. Đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Nguyễn Khuyến, nhà văn Vũ Trọng Phụng,… chưa bao giờ đoạt một giải thưởng văn chương nào mà tên tuổi các ông vẫn lừng lững như đại thụ đổ bóng xuống nền văn học. Nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nam Cao, nhà thơ Xuân Diệu… sau khi chết rồi mới được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nhưng các ông đã lừng lẫy trên văn đàn từ trước năm 1945.

Sau giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được dịch ở nhiều quốc gia.

Giải thưởng không làm nên nhà văn, nhưng vì sao giải thưởng hấp dẫn thế, dẫn dụ thế và hầu như nhà văn nào cũng thích, cũng muốn ít nhất trong cuộc đời sáng tạo cũng một lần lên bục vinh quang khoác "vòng nguyệt quế". Được giải thưởng cuộc thi của một nhóm văn chương, của một nhà xuất bản, một tạp chí, một tờ báo, của một địa phương, nếu tác phẩm không để đời thì cũng làm cho bạn đọc nhớ đến tên tác giả khi xướng danh. Đẳng cấp hơn, cao hơn là giải thưởng cấp Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Liên hiệp hội VHNT Việt Nam; danh giá nữa là giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT cũng đều mang lại ít nhiều danh tiếng cho tác giả. Còn khi đã được giải thưởng văn học quốc tế như giải Pulitzer văn học của Mỹ, Giải Man Booker của Vương quốc Anh, giải thưởng Goncourt của Pháp,… đặc biệt giải Nobel văn học của Thụy Điển với trị giá 1,4 triệu USD thì tên tuổi bay xa, lợi đơn lợi kép.

Trước năm 1988, không mấy bạn đọc biết đến nhà văn Naguib Mahfouz người Ai Cập, thậm chí có người đọc tác phẩm rồi mà còn nhớ sai tên ông. Nhà xuất bản Unionsverlag in sách của ông suốt 3 năm chỉ bán được 300 cuốn. Nhưng khi ông đoạt giải thưởng Nobel thì tình hình ế ẩm sách khác ngay, danh tiếng của Mahfouz nổi như cồn trên phạm vi toàn thế giới. Ông Giám đốc Nhà xuất bản Unionsverlag nói rằng: trong 3 phút chúng tôi bán được 30.000 cuốn sách của Naguib Mahfouz.

Sáng tác mãi trong cô đơn, hành trình đằng đẵng cũng đến lúc tác giả mỏi mệt. Ai đồng hành? Ai động viên? Ai ghi nhận? Bạn đọc chứ ai, và nhà văn sống được là vì bạn đọc còn đọc mình, đọc chính là sự ghi nhận. Nhưng, nhà văn cũng cần sự ghi nhận của bạn nghề, của nhóm bạn nghề, của một tổ chức nghề nghiệp. Ít ra, mỗi cuộc thi cũng có 3 nhà văn chấm sơ khảo và 5 hoặc 7 nhà văn chấm chung khảo đọc mình, định giá tác phẩm và ghi nhận. Sau đó, là một tổ chức nghề nghiệp là nhà nước hoặc tư nhân chứng nhận, giấy trắng mực đen, dấu đỏ hẳn hoi. Cho nên giải thưởng văn chương không chỉ vinh danh, có thêm ít hay nhiều tiền để tiêu, mà còn là sự ghi nhận, công nhận.

2. Được giải thưởng văn học thì vui vẻ tưng bừng, nhưng cái sự hậu giải thưởng ấy cũng lắm chuyện buồn vui. Báo Văn nghệ sau gần nửa thế kỷ đồng hành với bạn đọc thì đến tháng 8/1995 ra thêm tờ Văn nghệ Trẻ. Từ đó, cánh nhà văn lúc trà dư tửu hậu cứ gọi tờ Văn nghệ là "Văn nghệ Già", có người gọi là "Văn nghệ Mẹ", còn tờ kia là "Văn nghệ Con".

Năm 2003, Báo Văn nghệ Trẻ phát động cuộc thi thơ lục bát, có bác nhà thơ được giải thưởng, nhưng khi trả lời phỏng vấn hoặc ghi vào hồ sơ sáng tác thì lại là: "Được Giải thưởng cuộc thi thơ lục bát của Báo Văn nghệ in trên Văn nghệ Trẻ năm 2003". Cũng có vị còn bỏ luôn chữ "Trẻ" mà ghi luôn là: "Được Giải thưởng cuộc thi thơ lục bát báo Văn Nghệ năm 2003". Văn nghệ Trẻ và Văn nghệ cùng trụ sở, cùng một ông tổng biên tập, nhưng có hai ban biên tập khác nhau, và cuộc thi thơ lục bát năm 2003 bản quyền thuộc báo Văn nghệ Trẻ. Cũng như cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ Trẻ năm 1996 là thuộc về báo "Trẻ" chứ đâu phải thuộc về báo "Già". Nhưng, cứ phải ghi giải thưởng của cuộc thi từ báo "Văn nghệ Trẻ" sang báo "Văn nghệ Già" thì mới là chiếu nhất, mới là đẳng cấp chăng?

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam trước đây trao nhiều cấp độ A-B-C và khuyến khích. Có bác được giải C không ghi là được giải C, được giải khuyến khích không ghi là giải khuyến khích, mà cứ ghi là… "được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam", rất chung chung, chả sai mà chỉ không chi tiết. Có thể là nghĩ đơn giản thực lòng, giải nào chả là giải của hội, ghi thế nào chả được, nhưng cũng có khi chủ ý chẳng muốn ghi cái giải cuối heo hắt ấy.

Không thiếu chuyện buồn mỗi mùa xét giải thưởng. Giải thưởng chấm rồi, trao rồi mà điều ong tiếng ve vẫn không dứt, thậm chí nhiều cuộc kiện cáo ở các hội địa phương. Ban giám khảo là các nhà văn nhà thơ ở hội địa phương chấm là không phục nhau. Họ cho rằng "cơm chấm cơm" thì sao mà tinh tường, ấy là chưa kể vị tình cá nhân thiên vị. Cho nên để khách quan công bằng, tránh kiện tụng, nhiều hội địa phương xóa tên tác giả trên tác phẩm và mời các nhà văn nhà thơ ở trung ương về chấm thi. Mong được giải thưởng, nhưng cái sự khách quan, chính xác còn mong muốn hơn. Được ghi nhận, được công nhận là một nhu cầu chính đáng. Nhưng thụ hưởng và sử dụng giải thưởng văn chương thái quá lại là câu chuyện khác. Có người coi giải thưởng văn chương như một cột mốc đánh dấu các chặng đường sáng tác; người khác thì coi giải thưởng như đồ trang sức làm cho mình đẹp thêm, hồ sơ sáng tác hoành tráng hơn; có người lại lấy giải thưởng như một niềm tự hào, và thấy mình oai hơn, đẳng cấp hơn. Sử dụng cái danh giải thưởng cũng đôi khi lẫn lộn, lộn xộn.

Được giải thưởng văn chương thì vui mừng rạng rỡ, nhưng chớ nghĩ mình đã ở một đẳng cấp cao rồi nhìn bạn văn với con mắt coi thường, thương hại. Tôi vẫn cho rằng, được giải thưởng cũng chỉ như vượt qua một kỳ thi. Suốt cuộc đời chúng ta phải trải qua biết bao nhiêu kỳ thi? Chúng ta đã đạt được những điểm như thế nào qua các kỳ thi ấy? Giải thưởng văn học chỉ là nhất thời, là ghi nhận điểm khá, hay điểm giỏi của một cuộc thi, tác phẩm dự thi là bài thi của kỳ thi đó, năm đó mà thôi. Ấy là chưa kể có những tác phẩm rất hay của đồng nghiệp nếu gửi tham gia cuộc thi, rất có thể mình bị loại. Ấy là chưa kể trong 7 vị giám khảo chỉ thay một vị này bằng một vị khác thì kết quả cũng khác rồi, thay một ban giám khảo nam bằng một ban giám khảo nữ thì kết quả càng khác. Thời gian mới là minh chứng xác thực nhất cho giá trị tác phẩm trường tồn hay không.

Trong lịch sử văn chương gần một thế kỷ nay, các cuộc thi, các cuộc xét trao giải thưởng nhiều không kể hết. Có những giải thưởng trao xong rồi trôi vào quên lãng, mất tăm mất tích. Cũng có cuộc trao giải thưởng thì tác phẩm còn sống lâu dài. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 trao cho "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường, "Bến không chồng" của Dương Hướng vẫn tái bản đều đều, và nằm trên giá sách bạn đọc nhớ mãi, mà nhiều giải của các năm trước đó, sau đó không mấy người còn nhớ.

Giải thưởng Tự lực văn đoàn thường được người trong nghề dẫn ra để nói về sự công minh, tinh tường của ban giám khảo phát hiện ra nhiều tài năng văn chương như Nguyên Hồng, Anh Thơ, Nguyễn Bính, Tế Hanh… Nhưng, cũng giải thưởng tư nhân danh giá này đã từng trao  giải nhất cho tiểu thuyết: "Làm lẽ" của Mạnh Phú Tư và "Cái nhà gạch" của Kim Hà; còn "Bức tranh quê" của Anh Thơ và "Nghẹn ngào" của Tế Hanh chỉ đoạt giải khuyến khích. Bây giờ Kim Hà thì chả mấy ai biết, nhưng Anh Thơ và Tế Hanh thì sau này đều là tên tuổi lớn, được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học; bởi cuộc thi ban đầu ấy chỉ là bước nhảy đầu tiên vượt vũ môn, trường văn trận bút phải tính cả quá trình như ngựa hay đi đường dài.

3. Cái cách đi đến giải thưởng văn chương mỗi người cũng một khác. Nhà văn Ma Văn Kháng có tên trong Ban giám khảo Cuộc thi truyện ngắn mang tên "Cây bút vàng" lần thứ nhất (1996-1998) của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an (nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an của Báo CAND), thời gian gần cuối cuộc thi ông vừa mới sáng tác được truyện ngắn “San Cha Chải” không có ý định thi cử, chỉ muốn gửi in bình thường ở Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an. Ngẫu nhiên xuất hiện một tình huống mới: ban biên tập đọc thấy hay quá trình lên ban tổ chức, muốn đưa tác phẩm của ông vào tham dự cuộc thi. Vậy là ban tổ chức cuộc thi đề nghị ông không tham gia ban giám khảo nữa để dự thi bình thường như những tác giả khác. Ngẫu nhiên mà kỳ diệu, ông được giải thưởng cao nhất - Giải “Cây bút vàng” của cuộc thi. Giải "Cây bút vàng" lần thứ hai tôi cũng dự thi đầy cảm hứng từ âm vang cuộc thi trước. Quả thật, lúc trẻ tôi cũng ham dự thi lắm, nhưng bằng cách: đằng nào viết ra cũng in thì ghi thêm hai chữ "dự thi" vào có mất thời gian công sức lắm đâu, được giải thưởng thì vui mà không cũng chẳng buồn.

Giải thưởng vinh danh nhà văn, nhưng nó cũng làm nhà văn có khi mụ mị. Có người coi được giải thưởng văn chương như là một cuộc leo núi, niềm tự hào ngân nga như tiếng chuông khánh không bao giờ dứt. Họ chinh phục đỉnh cao và ngồi luôn đó không chịu xuống, rồi nhấm nháp vị ngọt ngào của vinh quang mà không bao giờ chán. Chả được mấy người như ông nhà văn Jean-Paul Sartre nước Pháp đâu, ông đã từ chối giải thưởng Nobel danh giá nhất toàn cầu. Ông khước từ sự vinh danh của Viện Hàn lâm Thụy Điển chỉ bởi ông quan niệm "nhà văn chỉ nên dùng phương tiện của chính mình - chữ viết" và "tất cả danh hiệu mà anh ta đạt được có thể khiến độc giả chịu áp lực, điều tôi không mong muốn".

Ở Việt Nam cũng có nhà văn từ chối giải thưởng, tặng thưởng với các lý do khác nhau, chứ không phải cứ ai được thưởng là… nhận. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng bộc bạch trên báo chí rằng: "Giải thưởng là thứ nhà văn nên quên đi, ngay lập tức. Bởi ngay từ đầu, người ta viết không phải vì giải thưởng. Viết chỉ vì muốn viết, vì bị thôi thúc bởi những lời thì thầm bên trong anh (chị) ta". Lao động nhà văn là tự thân, phận sự nhà văn là… sáng tác. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh quan niệm: "Cuộc sống của các nhà văn không xoay quanh các giải thưởng, đương nhiên. Không có các giải thưởng thì họ vẫn viết, vì niềm đam mê sáng tạo, lòng yêu nghề…".

Nhà văn làm nên tác phẩm, tác phẩm được vinh danh đích thực sẽ lại làm cho nhà văn sáng rỡ hơn. Ở góc nhìn nào đó, tác phẩm đoạt giải thưởng văn chương đích thực có thể gây ảnh hưởng đến bạn viết, bạn đọc. Cái giải thưởng ấy đại diện hoặc mở đầu cho một khuynh hướng sáng tác này hoặc khuynh hướng sáng tác kia, thì cũng khởi nguyên từ nhà văn mà thôi. 

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top