Từ những ồn ào của “Đất rừng phương Nam”

17:04 - Thứ Ba, 24/10/2023 Lượt xem: 6911 In bài viết

Có lẽ, hiếm có bộ phim nào nhận được nhiều tranh luận trên báo chí và mạng xã hội như “Đất rừng phương Nam” phát hành năm 2023 - từ nay gọi là “Đất rừng phương Nam” - (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) những ngày qua. Mỗi người một quan điểm, một góc nhìn, tuy nhiên có nhiều bài học được rút ra từ những ồn ào xung quanh bộ phim…

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ, dự án phim “Đất rừng phương Nam” đã được anh ấp ủ 6 năm qua nhưng đến nay mới đủ điều kiện thực hiện. Bộ phim nhận được sự quan tâm của dư luận ngay từ khi khởi động dự án bởi  công bố chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Đây là tác phẩm văn học nhận được nhiều yêu mến của các thế hệ độc giả. Ngoài ra, sự cuốn hút của bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) sản xuất năm 1997 cũng khiến không ít khán giả háo hức, mong ngóng “Đất rừng phương Nam” phiên bản điện ảnh. Điều này cũng cho thấy sự yêu mến, hy vọng của khán giả dành cho điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, ngay từ những suất chiếu sớm đầu tiên, phim đã nhận được những tranh luận không ngừng liên quan đến những chi tiết được cho là sai lệch lịch sử.

Các nhân vật trong phim truyền hình “Đất phương Nam” sản xuất năm 1997 của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.

Các nhà chuyên môn cho rằng, chuyển thể từ tác phẩm văn học sang phim có 3 dạng thức cơ bản là chuyển thể nguyên tác, phỏng theo và lấy cảm hứng. Ban đầu, đoàn làm phim “Đất rừng phương Nam” công bố là chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi. Tuy nhiên, phim lại lấy bối cảnh không gian và thời gian lùi lại hơn so với nguyên tác đó là Nam Bộ những năm 1920 - 1930… Một số nhân vật trong phim được xây dựng là thành viên của hội/ nhóm như “Nghĩa Hòa đoàn”, “Thiên địa hội”… Và theo quan điểm của những người am tường về lịch sử thì đây lại là những hội nhóm của người Hoa, có nguồn gốc của Trung Quốc. Ngoài ra, trang phục của một vài nhân vật trong phim cũng bị cho là không phải trang phục của người Nam Bộ thời điểm đó…

Trả lời trên báo chí, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thổ lộ rất buồn, không tưởng tượng nổi phim bị phản ứng tiêu cực vậy. Anh cũng như lý giải việc sử dụng hai tên hội nhóm kia làm theo tinh thần của phim truyền hình “Đất phương Nam” năm 1997, “Tôi muốn nêu bật tình người miền Tây, không phải nâng tầm các hội nhóm trong phim”… Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói từ tên các hội nhóm đến những hình ảnh như tửu quán 2 tầng, áo dài hay áo bà ba nút vải kiểu người Hoa… thực sự là những hạn sạn đáng kể. Với một bộ phim kịch bản ấp ủ 6 năm, được đầu tư vài chục tỷ đồng, được chăm chút ở mọi khâu… thì thật khó có thể nói là vô tình, hay không tìm hiểu kỹ.

Trang phục của nhân vật trong “Đất rừng phương Nam”  được góp ý là chưa chính xác.

Lý do chính xác thế nào thì chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Nhưng rõ ràng, để tồn tại những “hạt sạn” như vậy thì không thể trách khán giả có quyền nghi ngờ về nền tảng văn hóa - lịch sử của êkíp sản xuất phim. Đành rằng, phim là tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ có quyền sáng tạo nhưng không phải thích thay đổi thế nào cũng được. Bởi không gian, thời gian là yếu tố quan trọng chi phối gần như toàn bộ các yếu tố khác trong bộ phim. Sự thiếu cẩn trọng khi đưa ra những chi tiết có yếu tố lịch sử, chính trị vào phim là một điều rất cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Có những ý kiến khá chân thành, xác đáng của khán giả như: “Nhà làm phim “Đất rừng phương Nam” phải đặt lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp lên trên hết, đặt hình ảnh con người Nam Bộ lên trên hết nếu không sẽ khiến những thế hệ sau xem phim hiểu không đúng về lịch sử”; “Văn hóa là hồn thiêng dân tộc. Tác phẩm điện ảnh cũng là sản phẩm văn hóa. Phim điện ảnh có thể hư cấu lời thoại, nhân vật nhưng tuyệt đối không được hư cấu hoàn cảnh, bối cảnh lịch sử” hay “Quan trọng nhất là tôn trọng lịch sử vì đó còn là câu chuyện của cả một dân tộc”. Hơn nữa, không chỉ là một sản phẩm giải trí, tác phẩm điện ảnh là một trong những “nguồn tài liệu” để các thế hệ trẻ học, tìm hiểu về lịch sử nên sự chính xác là vô cùng quan trọng. Đoàn làm phim hoàn toàn có thể sử dụng những cái tên hội nhóm không có trong sử liệu thì vẫn toát lên được tinh thần yêu nước, tính cách hào sảng của người dân lục tỉnh Nam kỳ thời tiền khởi nghĩa.

Nhìn vào lịch sử điện ảnh nói chung, ngay cả ở Việt Nam cũng có không ít tác phẩm được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Có thể nói văn học vẫn là một kho tư liệu, mảnh đất màu mỡ quý báu để các nhà làm phim khai thác. Những bộ phim nổi tiếng Việt Nam có nguồn gốc từ tác phẩm văn học phải kể tới “Mẹ vắng nhà” (chuyển thể từ truyện ngắn “Người mẹ cầm súng” và “Mẹ vắng nhà” của nhà văn Nguyễn Thi); phim “Vợ chồng A Phủ” chuyển thể  từ tiểu thuyết “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài; phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” chuyển thể từ các tác phẩm “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao; phim “Chị Dậu” chuyển thể từ tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố… Sau này là những bộ phim như “Long thành cầm giả ca” (dựa theo ý tưởng của bài thơ “Long thành cầm giả ca” của Nguyễn Du); phim “Cánh đồng bất tận” phỏng theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư; “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc” lấy cảm hứng từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh…

Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là bộ phim khá thành công khi chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên.

Những bộ phim được sản xuất gần đây cũng nhận được không ít góp ý của khán giả về nhân vật, bối cảnh, phục trang... Chuyện đó cũng là điều dễ hiểu vì mỗi khán giả một trình độ, sở thích khác nhau nên sự nhìn nhận, đánh giá cũng ở những góc độ khác nhau. Tuy nhiên, mọi việc không quá ồn ào và gay gắt như với “Đất rừng Phương Nam” những ngày qua có lẽ chính bởi khán giả không đồng ý với việc phim cùng tên với tác phẩm văn học nhưng một số yếu tố lịch sử, chính trị không chính xác. Sự chỉnh sửa của êkíp làm phim từ việc đổi tên hội nhóm trong các câu thoại đến cho thêm dòng chữ “Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim “Đất phương Nam” ở đầu phim không ngoài mục tiêu xoa dịu dư luận, lý giải những sáng tạo trong phim.

Sự ồn ào của “Đất rừng phương Nam” mang đến băn khoăn dành cho Hội đồng duyệt phim,  phân loại phim của Cục Điện ảnh Việt Nam. Trách nhiệm của cơ quan chức năng là kiểm duyệt nhưng từ khi cho phép đến khi yêu cầu chỉnh sửa (bởi “lắng nghe dư luận”) chỉ chưa đầy một tuần thì dễ giảm uy tín quá. Đành rằng Hội đồng duyệt phim cũng là con người, tức là có thể nhầm lẫn, sai sót, nhưng ở trường hợp này để dư luận phản ứng vì bất cẩn, nghĩ đơn giản hay vì trình độ cũng cần phải nghiêm khắc kiểm điểm lại. Chưa kể, một vài lần cơ quan kiểm duyệt bỏ lọt chi tiết nhạy cảm trước đó cho thấy công tác này cần phải được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm hơn. Với cơ quan kiểm duyệt thì yếu tố quan trọng hàng đầu là sự công tâm và nghiêm minh. Rõ ràng, nếu những lỗi của phim được chỉ ra trước khi ra rạp thì sẽ không tạo nên những cơn bức xúc trong dư luận như thế.

Nhân vật Út Lục Lâm và An trong phim “Đất rừng phương Nam”.

Có lẽ, chưa một bộ phim nào tạo nên một cuộc tranh luận dữ dội và dai dẳng như với “Đất rừng phương Nam”. Ở góc độ nào đó, có thể coi đây là sự quan tâm và quyền bày tỏ quan điểm của khán giả với tác phẩm điện ảnh. Việc góp ý với những yếu tố chưa chính xác ở một tác phẩm nghệ thuật cũng là điều cần thiết. Những đóng góp có cơ sở khoa học, trách nhiệm và thấu tình đạt lý sẽ được trân trọng. Nhưng nhìn từ những tranh luận trên mạng xã hội lại thấy không ít sự phản biện dựa trên thiên kiến cá nhân. Vì không ưa cá nhân nào đó trong đoàn làm phim mà kêu gọi tẩy chay bộ phim, chê ngay cả khi chưa xem phim. Hay, một số bài góp ý với thái độ quá gay gắt, thậm chí có chút “nâng cao quan điểm”. Ngược lại, có những người vì ủng hộ phim mà công kích cá nhân, xúc phạm tới cả những người lớn tuổi chỉ vì họ không cùng quan điểm. Tất cả những thái độ như vậy đều không nên có trong một cộng đồng mạng văn minh.

Tranh luận chỉ có thể thuyết phục khi đặt đối tượng bình luận trong sự khách quan, công bằng. Bài học lớn sẽ thuộc về các nhà làm phim. Sự kiểm duyệt kỹ nhất, công tâm nhất chính là công chúng. Mọi sai sót vô ý hay cố tình đều không thể qua được mắt công chúng. Vì thế, các nhà làm phim cần có sự cầu thị, thận trọng tối đa và ý thức được giới hạn của sáng tạo với những bộ phim có yếu tố lịch sử. Những góp ý chân thành của khán giả không ngoài mong muốn điện ảnh mang lại những giá trị văn hóa đích thực phù hợp với bản sắc dân tộc Việt.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top