Gìn giữ nghệ thuật tạo hoa văn cạp váy dân tộc Mường Hòa Bình

09:51 - Chủ Nhật, 12/11/2023 Lượt xem: 8006 In bài viết

Trong sinh hoạt và lao động sản xuất, người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt. Một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo của văn hóa Mường là trang phục truyền thống và nghệ thuật trang trí hoa văn trên cạp váy.

Phụ nữ vùng Mường Vó (Lạc Sơn) hướng dẫn, chỉ dạy con em cách mặc trang phục khoe hoa văn cạp váy dân tộc Mường.

Khi mô tả về trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường, Giáo sư Nguyễn Từ Chi (1925-1995), một nhà dân tộc học hàng đầu của Việt Nam thế kỷ XX, chuyên gia về người Mường và làng xã người Việt từng viết "Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại, không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất, không đúc tượng đồng mà họ dệt cái quan niệm thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ. Cạp váy ở đây là như tượng, như tranh!”. Ở những thế hệ trước, từ khi còn rất nhỏ, các bé gái Mường đã được bà, được mẹ chỉ dạy cho cách kéo sợi, dệt vải. Lớn hơn chút nữa, các bé được học tạo hình hoa văn trên cạp váy. Hầu như các thiếu nữ Mường đều biết tự làm cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để mặc trong ngày cưới, tham dự các dịp lễ hội.

Đồng chí Bùi Kim Phúc, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VH-TT&DL cho biết: Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mường Hòa Bình có từ lâu đời, một mặt phản ánh những giá trị nhân sinh của người Việt cổ, đồng thời nói lên óc thẩm mỹ, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của những người đã dệt ra nó. Bộ phận sáng tạo ra nghệ thuật trang trí trên cạp váy truyền thống là nữ giới, cũng là chủ thể gìn giữ và trao truyền tinh hoa cho những thế hệ kế cận.

Có thực tế là nghệ thuật trang trí hoa văn trên cạp váy truyền thống của người Mường Hòa Bình đã và đang đứng trước nguy cơ mai một. Sở VH-TT&DL đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy nhu cầu sử dụng trang phục truyền thống trong cộng đồng ngày càng ít. Số người biết nhặt hoa văn, trang trí trang phục không còn nhiều, chủ yếu là người lớn tuổi. Giới trẻ ít thực hành và không mặn mà với nghệ thuật trang trí trang phục truyền thống. Tại các xã, xóm có người Mường sinh sống tập trung, rất ít trẻ em biết nhặt hoa văn, dệt hoa văn truyền thống. Nghề trồng bông dệt vải, nhuộm chỉ màu ngày càng mai một. Thay vào đó, người dân mua vải đen công nghiệp, vải màu, chỉ màu bán sẵn, tiện dụng với giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trang phục của người Mường cũng dần cách điệu, thay đổi từ cạp váy đến màu dùng để nhuộm cạp.

Theo đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL, kỹ thuật tạo hoa văn cạp váy dân tộc Mường Hòa Bình là loại hình nghề thủ công truyền thống. Một số cộng đồng dân tộc Mường ở các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy đang nắm giữ di sản với vai trò chủ thể. Những năm qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm đến công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có trang phục các dân tộc thiểu số. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuậttạo hoa văn trên cạp váy dân tộc Mường Hòa Bình, bên cạnh giải pháp quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ cấp tỉnh, huyện đến cơ sở, tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử của bộ trang phục truyền thống đến các tầng lớp nhân dân, thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc Mường. Qua đó nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa đặc sắc của bộ trang phục truyền thống, lòng tự hào dân tộc để có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống. Nghiên cứu, sưu tầm và ghi hình lưu lại hình ảnh về trang phục truyền thống sử dụng trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể như lễ hội, nghi lễ tâm linh... để có tư liệu cho việc khôi phục, bảo tồn, phát huy; đưa nghệ thuật trang trí hoa văn trên cạp váy của người Mường vào trường học, nhất là những trường nội trú có đông học sinh dân tộc Mường để các em học cách trang trí hoa văn, tạo trang phục và tự giác mặc trang phục truyền thống. Mặt khác, tiến hành nghiên cứu, phục hồi các hoa văn cổ và bảo tồn kỹ thuật tạo hoa văn được xem là kho tàng tri thức dân gian đặc sắc, phản ánh tư duy, sự hiểu biết về thiên nhiên, xã hội, triết lý sống, óc sáng tạo, trình độ mỹ thuật của người Mường. Triển khai các hoạt động bảo tồn gắn với phát triển du lịch, đưa trang phục của người Mường trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.

Theo baohoabinh.com
Bình luận
Back To Top