Đến với bài thơ hay

À ơi tay mẹ

09:11 - Thứ Năm, 04/01/2024 Lượt xem: 22284 In bài viết

Bàn tay mẹ chắn mưa sa

Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng

 

Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng

À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon

À ơi này cái trăng tròn

À ơi này cái trăng còn nằm nôi…

 

Bàn tay mẹ thức một đời

À ơi này cái mặt trời bé con…

Mai sau bể cạn non mòn

À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.

 

Ru cho mềm ngọn gió thu

Ru cho tan đám sương mù lá cây

Ru cho cái khuyết tròn đầy

Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.

 

Bàn tay mang phép nhiệm mầu

Chắt chiu tự những dãi dầu đấy thôi

 

Ru cho sóng lặng bãi bồi

Mưa không dột chỗ ngoại ngồi vá khâu

Ru cho đời nín cái đau

À ơi… Mẹ chẳng một câu ru mình.

                                                                                          Bình Nguyên

 

Thương bàn tay mẹ dịu dàng ru con

À ơi tay mẹ của Bình Nguyên là một đóng góp đáng trân trọng về đề tài người mẹ được mở rộng và sâu sắc hơn qua nhiều bình diện. Thi phẩm là khúc ru con, ru đời dạt dào cảm xúc, thể hiện tình cảm yêu thương vô hạn và tấm lòng bao dung lớn lao của người mẹ Việt Nam.

Bàn tay mẹ trước mưa bão cuộc đời thật mạnh mẽ, cứng cỏi, sẵn sàng che chắn tất cả để đem lại bình yên và hạnh phúc cho con. Nhìn bề ngoài trông mẹ mảnh mai, bé nhỏ là vậy, nhưng với bản năng và tấm lòng thương con vô hạn từ tình mẫu tử, mẹ không quản ngại điều gì. Hình ảnh mẹ như vị nữ thần uy nghiêm, vượt mọi gian nan thử thách, quyết “chắn mưa sa”, “chặn bão qua mùa màng” để giữ gìn những điều bình yên, tốt đẹp: Bàn tay mẹ chắn mưa sa//Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng

Khi gặp thách thức trước cuộc đời, mẹ hiện lên cứng rắn, vững chãi là vậy; nhưng trước đứa con thương yêu của mình; bàn tay mẹ lại dịu dàng đùm bọc, nâng niu. Khổ thơ thứ hai được tác giả sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ để diễn tả tình cảm âu yếm, chở che, nâng đỡ ngọt ngào từ đôi bàn tay mẹ. Mẹ nựng con bằng nhiều cách gọi trìu mến, thiết tha qua các hình ảnh tu từ: “cái trăng vàng”, “cái trăng tròn”, “cái trăng còn nằm nôi”. Qua đó, chúng ta thấy được biết bao yêu thương đằm sâu, dịu ngọt như suối nước mát lành tỏa ra từ tấm lòng người mẹ: Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng//À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon//À ơi này cái trăng tròn//À ơi này cái trăng còn nằm nôi…

Từ hình ảnh “cái trăng vàng” khi ru con bằng lời ru dịu dàng, trìu mến, bàn tay tần tảo “thức một đời” của mẹ để nuôi nấng con nên người cũng được tác giả diễn tả thật hay, thật xúc động ở khổ thơ thứ ba khi gọi con bằng “cái mặt trời bé con”. Đọc đến đây ta chạnh nhớ đến hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm: “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/ Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”. Mẹ là thế, lớn lao, bao dung hơn cả biển rộng sông dài. Vì thế, hai tiếng “à ơi” qua bàn tay mẹ bỗng hóa thành thiêng liêng, sâu nặng biết chừng nào: Bàn tay mẹ thức một đời//À ơi này cái mặt trời bé con…//Mai sau bể cạn non mòn//À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.

Từ bàn tay vỗ về, yêu thương dành cho con trẻ, tác giả mở rộng liên tưởng đến những gì lớn lao, sâu sắc hơn nhiều qua lời ru của người mẹ trước cuộc đời. Với con, lời ru mẹ mang lại cái mát lành, xua tan bao lạnh lẽo, đắp bồi cho những khuyết hao khi thiếu vắng tình thương… Nhưng trước cuộc đời, lời ru của mẹ còn gửi vào đó biết bao khát khao về sự an lành, trọn vẹn, đủ đầy và cả nhớ thương trước những chia xa, cách trở. Phép lặp cấu trúc “Ru cho…” đã thể hiện niềm mong mỏi thiết tha, sâu thẳm đến day dứt từ đáy lòng của mẹ về những gì tốt đẹp sẽ đến với con yêu, đến với cuộc sống mỗi người.

Lời ru vì thế mà “mang phép nhiệm mầu”, thiêng liêng, bởi biết chắt chiu từ những dãi dầu, cay đắng suốt cả cuộc đời độ lượng, hi sinh cao cả của mẹ. Hai câu thơ đứng tách thành một khổ thơ thứ năm như lời đúc kết, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về phẩm chất qua hình ảnh người mẹ Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử: Bàn tay mang phép nhiệm mầu//Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi.

Bài thơ khép lại bằng khổ thơ cuối cùng với giọng điệu đằm sâu da diết như tiếng lòng mong mỏi thiết tha của mẹ đối với cuộc đời. Mẹ cầu mong bình yên sóng lặng, mọi người hạnh phúc, nơi ngoại ngồi khâu vá mưa đừng dột ướt mà thương. Có điều, mẹ không có lời ru nào dành cho mình, một nguyện ước nào cho cá nhân mẹ cả. Cái tứ thơ của thi phẩm được nâng lên cũng nằm ở chỗ đó: Ru cho sóng lặng bãi bồi//Mưa không dột chỗ ngoại ngồi vá khâu//Ru cho đời nín cái đau//À ơi… Mẹ chẳng một câu ru mình.

“À ơi… Mẹ chẳng một câu ru mình”, càng đọc lòng ta càng xót xa, cảm phục về mỗi người mẹ trong cuộc đời của chính mình.

Lê Thành Văn
Bình luận

Tin khác

Back To Top