Đưa tiếng khèn vang xa

10:13 - Thứ Sáu, 15/03/2024 Lượt xem: 6225 In bài viết

ĐBP  - Lần đầu tiên Liên hoan Nghệ thuật khèn Mông được tổ chức trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024. Thời điểm này, các nghệ nhân, diễn viên đều đã sẵn sàng với những màn trình diễn đặc sắc nhất, sau thời gian tập luyện chu đáo, kỹ lưỡng.

Các nghệ nhân tại huyện Tủa Chùa hăng say luyện tập múa khèn.

Hơn 1 tuần nay, tại gia đình nghệ nhân Sùng A Tâu, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) luôn đông vui, nhộn nhịp. Các nghệ nhân trên địa bàn xã cùng nhau tụ họp tập luyện cho tiết mục trình diễn tại Liên hoan Nghệ thuật khèn Mông sắp diễn ra. Nơi rẻo cao, các nghệ nhân biểu diễn điêu luyện những điệu khèn, tiếng trống cùng điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng khiến người xem không khỏi chìm đắm, say sưa theo tiếng khèn, điệu múa.

Đội khèn của xã Sính Phình tham dự liên hoan gồm 5 thành viên, đều là những người đã gắn bó rất lâu với cây khèn. Trong đó, nghệ nhân Sình A Tâu - người sở hữu kho kiến thức phong phú về những điệu múa khèn đã được các thành viên tin tưởng lựa chọn làm đội trưởng. Chia sẻ về màn trình diễn sắp tới, ông Tâu cho biết: Đội khèn xã Sính Phình sẽ tham gia 1 tiết mục khèn tập thể, với nội dung trình diễn là một trích đoạn trong Lễ hội trừ tà của đồng bào dân tộc Mông. Để chuẩn bị cho tiết mục, chúng tôi đã hẹn nhau luyện tập được 1 tuần nay. Không cần phải nhắc nhở, ai cũng cố gắng hết sức tập thật tốt, đổi mới để tiếng khèn hay và đa dạng hơn. Bởi mọi người đều rất phấn khởi, tự hào khi được đại diện cho huyện mang văn hóa dân tộc Mông đến gần hơn với nhiều người dân và du khách thập phương.

Cùng với đội khèn xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa thành lập thêm đội khèn tại xã Xá Nhè và xã Tủa Thàng. Với tổng số 12 nghệ nhân tham gia trình diễn 4 tiết mục các thể loại múa khèn Mông đơn, đôi và tập thể. Theo ông Dương Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện Tủa Chùa, cây khèn Mông là loại nhạc cụ giữ vai trò trọng yếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa, thể hiện rõ nét về tâm linh, tín ngưỡng và là linh hồn của người dân tộc Mông. Vì vậy, khi tham gia Liên hoan lần này, trong mỗi tiết mục, các nghệ nhân đều rất chú ý đến âm thanh, nhịp độ, hồn gió và kỹ thuật đá chân. Cùng với đó, tiết mục phải đáp ứng đúng, đủ các tiêu chí hội thi đã đặt ra và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cây khèn Mông, trang phục truyền thống.

Đội khèn xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) biểu diễn một trích đoạn trong Lễ hội trừ tà của đồng bào dân tộc Mông.

Tại huyện Điện Biên Đông, đội nghệ nhân, diễn viên tham gia Liên hoan Nghệ thuật khèn Mông cũng đang tích cực luyện tập. Chuẩn bị cho liên hoan, Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện đã xây dựng kế hoạch, chương trình tập luyện với những tiết mục đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Các tiết mục được dàn dựng, tập luyện công phu, khai thác những kỹ năng độc đáo trong nghệ thuật múa và thổi khèn; đổi mới cách trình diễn với sự đầu tư đạo cụ sân khấu và múa phụ họa.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện Điện Biên Đông cho biết: Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Điện Biên Đông tham gia Liên hoan Nghệ thuật khèn Mông gồm 9 nghệ nhân, diễn viên. Các nghệ nhân, diễn viên bắt đầu luyện tập từ ngày 4/3 theo hình thức tập trung. Đặc biệt, trong đoàn có sự tham gia của 1 thanh niên trẻ, hiện mới 15 tuổi. Việc có diễn viên trẻ tuổi tham gia góp phần thể hiện sự lưu truyền, giữ gìn, bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn. Với sự chủ động trong công tác chuẩn bị, đoàn sẽ mang đến liên hoan những tiết mục đặc sắc. Đây là những sản phẩm văn hóa cần được lan tỏa, quảng bá để đến gần hơn với đông đảo du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Liên hoan Nghệ thuật khèn Mông là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024. Đây chính là dịp tăng cường tình đoàn kết, tạo sân chơi bổ ích cho các nghệ nhân, diễn viên giao lưu học hỏi nhằm khơi dậy và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật khèn Mông. Đồng thời giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Mông đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết: Ban Tổ chức hiện đã chốt danh sách các đoàn tham gia Liên hoan Nghệ thuật khèn Mông. Theo đó, có 7 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ các huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Nậm Pồ và TP. Điện Biên Phủ. Hơn 50 nghệ nhân, diễn viên sẽ tham gia trình diễn khoảng 30 tiết mục múa khèn. Các tiết mục thể hiện chủ đề về sinh hoạt, nghi thức văn hóa dân gian và trò chơi từ các lễ hội của dân tộc Mông.

Việc tổ chức Liên hoan Nghệ thuật khèn Mông nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông, vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch của địa phương. Qua đó, góp phần bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian; sưu tầm, phục hồi các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Mông; nhân rộng mô hình truyền dạy nghề chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top