Bản Hon: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

15:09 - Thứ Tư, 11/09/2024 Lượt xem: 2721 In bài viết

Những năm qua, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn những nét văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, như: ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian... Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Xã Bản Hon có diện tích tự nhiên 5.443,06ha, cách thành phố Lai Châu 12km. Xã có 7/8 bản là bản người Lự với trên 2.600 người chiếm 88,6% dân số toàn xã. Hiện nay trong cả nước người Lự có trên 6.000 người, cư trú tập trung chủ yếu ở hai huyện Tam Đường và Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu. Đối với huyện Tam Đường, xã Bản Hon là một trong 13 xã, thị trấn có người Lự sống tập trung nhất với 7/8 bản.

Xác định công tác Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW5 (khoá VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản săc văn hoá dân tộc” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện, UBND xã Bản Hon đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Điển hình như đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép công tác tuyên truyền vào nội dung chương trình giáo dục tại các bậc tiểu học, trung học. Tích cực sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hoá dân gian. Sưu tầm và phục dựng các lễ hội đặc sắc; xây dựng không gian trưng bày và tái hiện văn hóa truyền thống dân tộc ở địa phương. Mở các lớp truyền dạy nghề (dệt, đan lát); thành lập và đưa vào hoạt động các đội văn nghệ ở xã, bản bồi dưỡng về dân ca, dân vũ truyền thống. Đặc biệt xây dựng và phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống…

Trong giai đoạn hiện nay, do tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập, một số nét bản sắc văn hoá truyền thống như: trang phục, nếp sống văn hoá - văn nghệ dân gian, phong tục tập quán... của các dân tộc trong đó có dân tộc Lự đang dần bị pha tạp và dần mai một. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, một số nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hàng ngày bị thất truyền. Trong khi đó công tác bảo tồn, trùng tu, quản lý và phát huy giá trị văn hoá truyền thống chưa được quan tâm đúng mức; Mức hưởng thụ văn hoá của bà con nhân dân còn thấp.

Để nâng cao hiệu quả công tác Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới, xã đề xuất một số giải pháp, chính sách: Nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng dân tộc Lự gìn giữ và khôi phục đời sống văn hóa, nghệ thuật, phong tục tập quán, lễ hội, kiến trúc nhà ở, các nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình. Đẩy mạnh sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận, chương trình hành động, kế hoạch về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch.

Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; khảo sát điều tra, sưu tầm các giá trị văn hóa về sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, các loại hình văn hóa dân gian dân tộc Lự, như: Dân ca, dân vũ, trang phục, hoa văn, nhạc cụ dân tộc. Tập trung đầu tư giữ gìn sắc phục của dân tộc; khôi phục và nhân rộng các mô hình nghề dệt dân tộc Lự phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cũng như đời sống của Nhân dân. Tổ chức phục dựng, trình diễn, truyền dạy, sáng tạo, phổ biến văn hóa truyền thống trong cộng đồng, gia đình, trường học. Phục hồi và nâng cao một số lễ hội tiêu biểu có thể tổ chức định kỳ hàng năm. Hàng năm xây dựng kế hoạch bảo tồn ít nhất 1 di sản văn hóa về lễ hội, chữ viết, ẩm thực... dân tộc Lự. Xây dựng các đội văn nghệ truyền thống thôn, bản. Lựa chọn phục dựng không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu ở các bản làng nhằm bảo lưu, trao truyền các loại hình văn hóa truyền thống như: Nhà ở, đạo cụ, nghề truyền thống, ... để tạo ra các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa. Khuyên khích các đội ngũ nghệ nhân trao truyền các bí quyết, kiến thức di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ; quan tâm việc truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong các nhà trường. Khuyến khích các tầng lớp Nhân dân sáng tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; đấu tranh phòng, chống sự sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, mê tín dị đoan, bài trừ các thủ tục lạc hậu.

Có chiến lược phát triển, định hướng hoạt động du lịch và văn hóa người Lự phù hợp, trong đó lựa chọn sản phẩm du lịch dựa trên phát huy giá trị di sản văn hóa; phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng; tôn trọng đa dạng văn hóa, đề cao vai trò văn hóa bản địa; khuyến khích cộng đồng địa phương chủ động cùng tham gia quản lý di sản, gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Lựa chọn các bản, các cộng đồng dân cư có sản phẩm văn hóa truyền thống đặc sắc, hấp dẫn để phát triển du lịch.

Khuyến khích, tôn vinh các hoạt động du lịch tình nguyện, tự nguyện đóng góp nguồn lực, trí tuệ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa  dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch đi đôi với nâng cáo hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong hoạt động kinh doanh du lịch. Các cấp, các ngàng tập trung chỉ đạo, triển khai việc quản lý, bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Tuyên truyền, vận động Nhân dân tại các điểm bản du lịch đoàn kết xây dựng môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp trong đó chú trọng vấn đề về xây dựng nhà vệ sinh, xây dựng đường nước sạch, thường xuyên xử lý rác thải tại hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường, trồng, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa… góp phần quan trọng tạo lập môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.

B.T
Bình luận

Tin khác

Back To Top