Sách hay về bảo vệ thiên nhiên, môi trường

09:24 - Thứ Hai, 23/09/2024 Lượt xem: 4421 In bài viết

Cơn bão Yagi đi qua để lại những hậu quả nặng nề. Những hồi chuông về biến đổi khí hậu, bởi thế, lại một lần nữa được gióng lên. Đọc những cuốn sách về đề tài môi trường để hiểu rằng ứng xử với thiên nhiên, không phải chỉ là bảo vệ thiên nhiên mà còn cần “tạo ra một thế giới mà thiên nhiên không cần phải bảo vệ”.

Hai cuốn sách hay về đề tài thiên nhiên, môi trường của tác giả Việt.

“Thiên tai nhân họa ngày một gia tăng” là tiêu đề một bài viết trong cuốn sách “Khủng hoảng môi trường có phải nguy cơ hết thuốc chữa” của tác giả Trần Văn Chánh. Trong đó, hàng loạt những “nỗi kinh hoàng” như động đất, sóng thần, bão lũ thảm khốc gây nên sự chết chóc hàng loạt và những thiệt hại vô cùng to lớn về tài sản từ hai mươi năm trở lại đây đã được tác giả “điểm danh”. Và nguyên nhân, theo tác giả, “người ta mường tượng chung rằng phần lớn là do ảnh hưởng của những hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và sản xuất bất hợp lý của con người”. Nhà văn người Trung Quốc Mạc Ngôn khi bàn về khủng hoảng môi trường đã cho rằng nhân loại chúng ta đang điên cuồng bóc lột trái đất: “Chúng ta khoan vào trái đất trăm ngàn lỗ thủng, chúng ta làm ô nhiễm các dòng sông, đại dương và không khí, chúng ta tập trung lại một chỗ, dùng sắt thép và xi măng xây nên những công trình kiến trúc kỳ quái...” (Sound Of Hope - Minh Tâm biên dịch).

Nhưng không phải tận đến thế kỷ XXI, mà ngay từ năm 1962, tác giả người Mỹ Rachel Carson đã đưa ra những lời cảnh tỉnh cho sự tàn phá môi trường trong cuốn sách “Mùa xuân vắng lặng”. Bà đã viết về thời thơ ấu của mình khi mà những người nông dân bán dần từng tấc đất trong trang trại gia đình, đồng cỏ biến thành cửa hàng, về hiểm họa ô nhiễm hóa chất và mối nguy hại từ thuốc trừ sâu DDT. Đưa ra những bằng chứng thuyết phục cao, “Mùa xuân vắng lặng” không chỉ trở thành tác phẩm kinh điển khởi xướng phong trào bảo vệ môi trường chấn động toàn thế giới, mà còn là tiền đề cho việc ra đời nhiều bộ luật và cơ quan kiểm soát chặt chẽ sau này.

Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, sự gia tăng dân số nhanh chóng và nhu cầu của con người vài thập kỷ trở lại đây đã tạo ra sức ép rất lớn cho thiên nhiên và môi trường. Trong cuốn sách “Giành lại không khí sạch”, nhà báo Tim Smedley “tiết lộ”: Kẻ giết người vô hình sinh ra từ xe cộ và các quy trình công nghiệp được sử dụng để sản xuất đồ đạc mà chúng ta đang không mảy may biết đến.

Làm thế nào để có thể giảm nhẹ tác động của con người và giữ gìn môi trường? Hầu hết các cuốn sách hay về thiên nhiên, môi trường đều chọn con đường quay về với thiên nhiên. Trong cuốn sách “Niên lịch miền gió cát”, tác giả Aldo Leopold chia sẻ: “Trong cuộc sống, những gì thuộc về tự nhiên có thể không cần thiết với người này, nhưng lại hoàn toàn thiết yếu cho sự tồn tại của người khác”. Đừng coi đất đai như một thứ của cải thuộc về mình, mà phải “nhìn nhận đất đai như một phần cộng đồng chúng ta thuộc về, khi đó chúng ta mới bắt đầu có thể sử dụng nó một cách yêu thương trân trọng”.

Đồng quan điểm này, tác giả Quing Li trong “Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật” đưa người đọc hòa mình với thiên nhiên bằng tất cả các giác quan. Ở trong nhà, chúng ta thường chỉ nghe và nhìn, nhưng “khi bạn kết nối sâu sắc với rừng qua toàn bộ năm giác quan - khi bạn cảm nhận được làn gió ấm trên da thịt, nghe được tiếng lá rung rinh trên cành, ngửi hương thơm của cây, nếm được vị ngọt lành của không khí, và để cho toàn bộ cảnh sắc của thế giới thiên nhiên choán đầy tâm trí - đó là lúc bạn cảm thấy được chữa lành và tiếp thêm sinh lực”.

Tâm sự trong cuốn sách “Trở về hoang dã”, tác giả Trang Nguyễn viết: “Ngay cả trong những lúc tuyệt vọng, buồn chán nhất, tôi vẫn tin rằng có một niềm hy vọng dành cho sự sinh tồn của các loài động vật và thiên nhiên hoang dã trên trái đất này. Niềm hy vọng ấy cần được nuôi dưỡng, không phải chỉ bởi những người làm bảo tồn như chúng tôi, mà còn là cả từ những hành động tưởng chừng như nhỏ bé của tất cả các bạn nữa”. Bất cứ ai cũng có thể tự lập ra một danh sách của riêng mình với những điều nên và không nên làm để bảo vệ môi trường mình đang sinh sống.

Còn tác giả Trần Văn Chánh trong bài viết “Vấn đề tận thế qua thực trạng khủng hoảng môi sinh toàn cầu” đã đưa đến góc nhìn tích cực: “Tin tốt lành là khủng hoảng tài chính toàn cầu và biến đổi khí hậu sẽ giúp loài người chuyển dịch từ lối cư xử và suy nghĩ ích kỷ, coi mình là trung tâm, sang lối ứng xử trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng thế giới” và hiện đang là “cơ hội để đầu tư cho một thế hệ công nghệ xanh tiếp theo, đánh giá lại những lý thuyết và phát triển kinh tế, và đưa thế giới vào quỹ đạo đến một tương lai tốt hơn”.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top