Gìn giữ nghệ thuật hát Then của dân tộc Tày tại thị xã Sa Pa

08:59 - Thứ Ba, 05/11/2024 Lượt xem: 1113 In bài viết

Đã từ rất lâu đời, những câu hát Then của người dân tộc Tày sinh sống tại xã Mường Bo, xã Bản Hồ của thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã trở thành “linh hồn” cuộc sống của những người được sinh ra và lớn lên tại nơi đây. Việc tìm tòi, sáng tạo, gìn giữ và truyền dạy những điệu xòe Then của người Tày vẫn luôn được bà con nhân dân và chính quyền các cấp tại thị xã Sa Pa đặc biệt chú trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của các dân tộc để phát triển kinh tế - xã hội và du lịch dịch vụ tại thị xã Sa Pa.

Lớp tập huấn về truyền dạy nghệ thuật hát Then Tày cụm xã Mường Bo, Bản Hồ được thị xã Sa Pa quan tâm, tổ chức hằng năm với sự tham gia của các nghệ nhân, các học viên là người dân tộc Tày sinh sống trên địa bàn và đặc biệt là các cháu thiếu niên, nhi đồng đến để tiếp thu và được truyền dạy văn hóa dân tộc Tày.

Tại những lớp tập huấn, các nghệ nhân tiêu biểu và đông đảo học viên tham gia đã cùng nhau nói về ý nghĩa của những điệu hát Then truyền thống, chia sẻ về việc bảo tồn và truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua những câu hát Then.

Tập huấn, truyền dạy nghệ thuật hát Then Tày tại cụm xã Mường Bo, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. 

Gia đình nghệ nhân Lù Văn Viên sinh sống tại thôn Mường Bo 2, xã Mường Bo đã lưu giữ và hằng ngày truyền lại cho con cháu cùng với 2 đội văn nghệ của xã Mường Bo bao gồm 30 thành viên những điệu hát Then và xòe truyền thống của người dân tộc Tày sinh sống tại xã Mường Bo, thị xã Sa Pa.

Các loại nhạc cụ như: Trống, đàn tính, quả chuông... được gia đình nghệ nhân gìn giữ, nâng niu và trưng bày tại những nơi trang trọng nhất. Trên khoảng sân rộng rãi là nơi cất lên những điệu hát then, múa xòe và những trăn trở mong muốn bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc mà cha ông để lại. Nghệ nhân Lù Văn Viên, thôn Mường Bo 2, xã Mường Bo tâm sự: “Chúng tôi được gắn bó với những điệu hát Then từ khi còn rất nhỏ, hát Then chính là cuộc sống của mỗi người dân tộc Tày và tôi mong muốn truyền dạy cho con cháu để truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình không bị mai một đi”.

Hát Then, múa xòe là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội của người dân tộc Tày sinh sống tại xã Mường Bo, xã Bản Hồ của thị xã Sa Pa. Ngoài yếu tố tâm linh là để cầu mùa, chúc phúc, thì hát Then còn để giải trí, giãi bày nỗi lòng, thể hiện tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương bản làng, lao động sản xuất. Trong đời sống của người Tày, hát Then thường được xuất hiện trong những sự kiện trọng đại như: Lễ cầu an, cầu mùa… Người hát Then trong những dịp lễ, Tết là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Những điệu hát Then, múa xòe của người dân tộc Tày luôn được biểu diễn trong Lễ hội đầu năm mới hằng năm. 

Với cuộc sống đổi thay như ngày nay, ngoài yếu tố tâm linh, hát then, múa xòe còn được sân khấu hóa, được đưa vào các hoạt động phục vụ sự kiện chính trị, du lịch, phục vụ nhân dân, trở thành phong trào văn nghệ quần chúng của xã Mường Bo, xã Bản Hồ của thị xã Sa Pa. Nội dung các bài Then được các nghệ nhân đặt lời mới để ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi cuộc sống lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, ca ngợi những đổi thay của quê hương, đất nước. Những thế hệ người Tày đã được bà, được mẹ truyền dạy cho những điệu hát Then để từ đó tiếp tục hướng dẫn truyền lại cho con cháu.

Với ca từ dễ nhớ, dễ thuộc, giàu tình cảm đã được các em nhỏ người dân tộc Tày tiếp thu một cách tự nhiên để từ đó các em thêm tự hào, yêu văn hóa truyền thống dân tộc mình qua những câu hát Then thắm đượm tình quê hương.

Em Đào Khánh Hưng, 10 tuổi, thôn Mường Bo 1, xã Mường Bo, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Từ nhỏ, cháu đã được nghe ông bà, bố mẹ truyền dạy về những điệu hát Then của người dân tộc Tày thường có trong các lễ hội với những câu hát rất hay. Cháu và các bạn cũng muốn học những câu hát Then, đánh đàn tính và được các cô, các bác văn hóa ở xã rất quan tâm và thầy cô ở trường cũng luôn dạy phải gìn giữ văn hóa truyền thống”.

Trong thời gian qua, những lớp tập huấn, truyền dạy nghệ thuật hát Then tày tại cụm xã Mường Bo, Bản Hồ của thị xã Sa Pa nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Lớp tập huấn với mục đích bồi dưỡng, cung cấp thêm các kiến thức, kỹ năng, bảo tồn các di sản văn hóa, tôn vinh và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống; bảo tồn, gìn giữ giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa của thị xã.

Nghệ thuật hát Then Tày được biểu diễn để phục vụ du khách tại các điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa. 

Nhằm bảo tồn, truyền dạy hát Then Tày - Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi nhận tại thị xã Sa Pa, bà Hoàng Thị Vương, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: “Thông qua lớp tập huấn đã góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, trong đó nghệ thuật hát Then Tày giữ một vai trò vị thế vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân tộc Tày sinh sống trên địa bàn thị xã Sa Pa”.

Hát Then, múa xòe chính là niềm tự hào, là di sản có sức sống vượt thời gian trong cộng đồng người dân tộc Tày tại xã Mường Bo. Nghe hát Then, múa xòe để cảm nhận được tâm hồn dân tộc, để thấy hình bóng quê hương, để tìm về chốn sinh thành, dưỡng dục và có thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top