Độc đáo nghệ thuật trang trí trang phục dân tộc Lào

15:11 - Thứ Ba, 12/11/2024 Lượt xem: 4217 In bài viết

ĐBP - Trong bức tranh văn hóa đa sắc của 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên, dân tộc Lào góp một phần rực rỡ. Một trong những di sản độc đáo đến nay đồng bào dân tộc Lào vẫn lưu giữ đó là nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống. Những họa tiết tinh xảo, màu sắc hài hòa trên nền vải nhuộm chàm đã tạo nên vẻ đẹp riêng biệt cho bộ trang phục của người Lào.

Người Lào cư trú tập trung tại 16 bản thuộc 9 xã của 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Hiện nay, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Lào tỉnh Điện Biên vẫn duy trì tại hầu hết cộng đồng người Lào. Tiêu biểu trong đó phải kể đến các bản: Na Sang 1 và Na Sang 2, xã Núa Ngam; Pa Xa Lào, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên); Mường Luân 1, xã Mường Luân; Ten Luống, xã Chiềng Sơ; bản Mường Ten, xã Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông).

Biết dệt vải, thêu hoa văn được coi như “thước đo” đánh giá phẩm hạnh phụ nữ dân tộc Lào.

Từ xa xưa, người Lào quan niệm đã là con gái thì phải biết dệt vải thêu thùa. Đây được coi như thước đo đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ. Một cô gái dệt và thêu được những tấm vải thổ cẩm đẹp chứng tỏ đó là cô gái tốt, được giáo dục tử tế. Đây cũng là tiêu chí để chọn dâu của các gia đình người Lào. Phụ nữ Lào luôn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để dệt vải, thêu thùa, may trang phục cho mình và người thân trong gia đình. Bằng phương pháp truyền khẩu, truyền dạy thực hành, kỹ thuật thêu và dệt hoa văn đã tạo nên trang phục truyền thống độc đáo của người Lào.

Trang phục của nam giới khá đơn giản gồm: áo, quần, giày vải. Áo của nam giới có phần cổ được may dáng cổ trụ cao khoảng 2cm, thân áo xẻ tà hai bên hông, hàng khuy áo được làm bằng vải chạy dọc từ cổ xuống. Quần có ống rộng vừa phải, cạp quần được luồn dây để buộc cố định trong lúc mặc. Bộ trang phục nam giới thường không trang trí hoa văn, quần áo làm từ vải bông nhuộm màu nâu hoặc màu đen là màu chủ đạo, ngoài ra còn trang trí bằng kẻ sọc.

Trang phục của nữ giới gồm áo ngắn, váy, khăn đội đầu, khăn choàng, giày vải. Áo có dáng ngắn, hàng cúc bạc cài phía trước. Váy được quấn cao đến ngực và được cố định bằng một dây buộc trên cạp váy sát ngực và dây thắt lưng ở ngang eo. Gấu váy được trang trí nhiều loại hoa văn tinh xảo, rất cầu kì, tỉ mỉ. Khăn đội đầu được nhuộm chàm đen và thêu hoa văn ở hai đầu khăn.

Người dân, du khách tìm hiểu trang phục truyền thống của dân tộc Lào.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Lào không chỉ phục vụ nhu cầu mặc, giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa. Qua đó thể hiện trình độ thủ công truyền thống, quan điểm thẩm mỹ, lối sống, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa riêng của người Lào.

Mỗi hoa văn trên trang phục đều gắn với một câu chuyện, một sự tích khác nhau, có ý nghĩa giáo dục rất cao và thể hiện một phần tín ngưỡng, quan niệm về cuộc sống của họ. Hoa văn trên trang phục dân tộc Lào không chỉ ghi lại những hình ảnh thường thấy trong cuộc sống hàng ngày mà còn thể hiện ý niệm, mong muốn của đồng bào gửi gắm qua trang phục. Điều đặc biệt là những hoa văn trang trí trên trang phục hoàn toàn được phụ nữ Lào thêu, dệt theo trí nhớ và ý tưởng của cá nhân mà không có bất kì bản vẽ hay đồ án họa tiết nào.

Nghệ nhân Lò Thị Viên, bản Na Sang II, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) cho biết: Để có được những bộ trang phục truyền thống, phải chuẩn bị rất kĩ lưỡng từ công đoạn trồng bông, xe sợi tạo ra nhng sợi vải đạt chất lượng tốt nhất. Màu sắc vải được phụ nữ Lào sử dụng nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên để nhuộm. Nguyên liệu dùng nhuộm vải phải lựa chọn rất kĩ lưỡng, thu hái đúng thời vụ và pha chế đúng công thức được đúc kết bằng kinh nghiệm của đồng bào trong nhiều năm. Mỗi màu được nhuộm bằng một loại nguyên liệu và công thức riêng. Để trang trí cho bộ trang phục của mình, người Lào sử dụng kĩ thuật chắp ghép vải, thêu và dệt. Kĩ thuật chắp ghép được sử dụng trong trang trí trên áo, kĩ thuật thêu sử dụng để thêu khăn đội đầu, kĩ thuật dệt được dùng để tạo hoa văn trên các loại khăn và váy.

Theo các nghệ nhân dệt thổ cẩm dân tộc Lào, hiện nay có khoảng 300 loại hoa văn được thể hiện trên trang phục truyền thống của dân tộc Lào. Hoa văn chủ yếu được thể hiện dưới 3 dạng mô típ là: Hoa văn hình học, hoa văn thực vật và hoa văn động vật, thường thể hiện trên váy và khăn của phụ nữ. Các hoa văn được bố trí linh hoạt, lồng ghép, móc nối... trên nền vải nhưng không làm phá vỡ bố cục chung. Xung quanh các hoa văn chính thường có các hoa văn phụ.

Với kĩ thuật thêu, dệt khít và dệt y cát đòi hỏi nghệ nhân phải thuộc đồ án hoa văn họa tiết trong đầu. Đây chính là sự tài tình của các nghệ nhân dệt vải người Lào, bởi các hoa văn trang trí hoàn toàn không có một bản vẽ nào trước, họ đưa sở thích và ý niệm bản thân vào bộ trang phục bằng trí nhớ, sự sáng tạo thăng hoa của mình.

Nghệ nhân Lò Thị Viên, bản Na Sang II, xã Núa Ngam trình diễn dệt vải tại lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào”.

Bộ trang phục truyền thống của dân tộc Lào tỉnh Điện Biên không chỉ đáp ứng nhu cầu cá nhân và các thành viên trong gia đình mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa được nhiều người ưa chuộng. Sản phẩm đã có mặt tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Hoa văn thổ cẩm dân tộc Lào còn có mặt trên thị trường quốc tế. Điều đó không chỉ giúp bà con nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm mà còn là một phương thức gìn giữ, phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống, góp phần quan trọng phát triển du lịch cộng đồng, là một yếu tố níu chân du khách.

Những năm qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Lào. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào.

Ngày 9/4/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 952/QĐ-BVHTTDL công nhận “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào” huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý khoa học, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc tôn vinh các di sản văn hóa. Đồng thời góp phần bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Việc công nhận di sản văn hóa phi vật thể đối với trang phục truyền thống là sự cổ vũ động viên cộng đồng dân tộc Lào tự hào, trách nhiệm gìn giữ, phát huy nét đẹp riêng có của dân tộc mình.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top