Chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội: Người lao động thiệt thòi

14:21 - Thứ Năm, 16/03/2023 Lượt xem: 3524 In bài viết

Nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) có chiều hướng tăng do tác động của dịch COVID-19, ảnh hưởng đến quyền của người lao động, đặc biệt là an sinh xã hội.

Theo số liệu thống kê của cơ quan bảo hiểm BHXH, tính đến tháng 11/2021, số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp lên tới 27 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ đọng BHXH có chiều hướng tăng do tác động của dịch COVID-19, ảnh hưởng đến quyền của người lao động, đặc biệt là an sinh xã hội. Tuy vậy, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH vẫn khó khăn, đến nay chưa có  doanh nghiệp nào vi phạm được toà án đưa ra xét xử do vướng về mặt pháp lý.

Chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội: Người lao động thiệt thòi.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, năm 2020, số tiền chậm đóng BHXH, khó thu là hơn 2.560 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với thống kê trong năm 2016. Tính đến tháng 11/2021, tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng tăng gần 7% so với số phải thu (so với cùng kỳ năm 2020, số tiền nợ giảm hơn 7 nghìn tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ so với số phải thu tăng 2,1%).

Hà Nội là thành phố có số doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, có người tham gia thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp lớn nhất cả nước, đến cuối năm vừa qua vẫn còn 150 đơn vị sử dụng lao động có số nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp lớn, thời gian từ 6 đến 24 tháng, với tổng số nợ là hơn 75 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hơn 4.000 lao động.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố đã chuyển 138 hồ sơ các đơn vị nợ BHXH không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra đến cơ quan công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự, tuy nhiên cho đến nay chưa xử lý được đơn vị nào.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID- 19 trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, nhất là những doanh nghiệp trong ngành kinh doanh dịch vụ, du lịch.

Do đó, Ngành BHXH Việt Nam tiếp tục thanh tra định kỳ, tìm hiểu thực tế từng doanh nghiệp để đưa ra những giải pháp phù hợp: “Chúng tôi tiếp tục đến trực tiếp các doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ và vận động các doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật là đóng BHXH hàng tháng. Doanh nghiệp đang sử dụng lao động, đang trả lương thì phải đóng. Còn đối với doanh nghiệp dừng thì chúng tôi phải tiếp tục kiến nghị với các cơ quan chức năng xem có đúng ảnh hưởng hay không, nếu trây ỳ thì phải sử dụng các biện pháp theo pháp luật quy định”.

Đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, một số địa phương còn chưa thực hiện tốt vai trò cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH còn chậm triển khai ở nhiều nơi.

Theo kiến nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, để quản lý được đối tượng tham gia BHXH, cơ quan BHXH cần phải nhận diện đầy đủ được đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thông qua việc tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, ban ngành ở địa phương.

Qua đó tiến hành điều tra và nắm bắt được đầy đủ các đơn vị sử dụng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn. Trên cơ sở đó khai thác, đăng ký và quản lý đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Khi đã nhận diện, quản lý được đầy đủ người sử dụng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thông qua đội ngũ cán bộ chuyên quản thu, cơ quan BHXH kịp thời thông báo đến người sử dụng lao động tình hình đóng BHXH hàng tháng.

Cơ quan BHXH có văn bản nhắc đóng BHXH tối đa 3 lần, sau đó thành lập đoàn kiểm tra, tiếp tục vi phạm thì tổ chức thanh tra, thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Nếu tiếp tục vi phạm thì khởi kiện và phối hợp với các cơ quan tiến hành xử lý hình sự một số vụ trọng điểm để răn đe các chủ sử dụng lao động khác.

Thực tế thời gian vừa qua, tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH được tổ chức khá nhiều nhưng việc chấp hành kết luận thanh tra, kiểm tra, đặc biệt kết quả thu hồi sau thanh tra còn hạn chế làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Chính vì thế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị đẩy mạnh kiểm tra trên diện rộng, thanh tra cần tổ chức có trọng tâm, làm vụ nào dứt điểm vụ đó để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Ngoài ra, cần bổ sung quy định cơ quan quản lý nhà nước về BHXH có thẩm quyền phong tỏa tài khoản của người sử dụng lao động để buộc đơn vị sử dụng lao động thực hiện trách nhiệm tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top