Sức trẻ dám nghĩ, dám làm

07:27 - Thứ Năm, 23/03/2023 Lượt xem: 4493 In bài viết

ĐBP - Phát huy tinh thần tuổi trẻ không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm, cùng những ý tưởng đam mê, khát khao lập thân, lập nghiệp, những năm qua, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nắm bắt xu thế thị trường phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng; góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Nhờ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, mô hình trồng dâu tây của thanh niên Hoàng Văn Dán, bản Bua, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) cho thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Anh Lường Văn Hưởng, bản Na Sang, xã Na Sang (huyện Mường Chà) là một trong những thanh niên năng động, sáng tạo ở địa bàn dân cư. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh đã thành công với mô hình kinh doanh dịch vụ kết hợp chăn nuôi, trở thành tấm gương sáng của thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn xã. Anh Hưởng cho biết: Cách đây 4 năm, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của đoàn xã, anh được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để sản xuất. Với số tiền có được và sự hỗ trợ thêm từ phía người thân, anh Hưởng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ một cặp bò sinh sản ban đầu, đến nay gia đình anh đã sở hữu 8 con.

Chưa dừng lại ở việc chăn nuôi, với tư duy dám nghĩ, dám làm, anh Hưởng mở thêm cửa hàng tạp hóa phục vụ người dân trong bản. Thành công với hai mô hình trên, không những trả được vốn vay ngân hàng, anh Hưởng tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho gia đình. Anh Hưởng chia sẻ thành quả của mình: Nỗ lực của bản thân là một phần, song sự quan tâm, đồng hành của tổ chức đoàn thanh niên cũng rất quan trọng. Tham gia tổ chức đoàn, tôi không những được tạo điều kiện vay vốn mà còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, nhất là nắm bắt được xu thế của nền kinh tế thị trường để phát triển.

Với sự năng động và quyết tâm của tuổi trẻ cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của gia đình, năm 2014, thông qua tổ chức đoàn thanh niên, anh Đỗ Xuân Hiếu, Bí thư Chi đoàn phường Na Lay, TX. Mường Lay mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mở cửa hàng phô tô, thiệp cưới, khung tranh ảnh kết hợp bán các mặt hàng văn phòng phẩm để phát triển kinh tế gia đình theo hướng kinh doanh kết hợp quảng cáo. Thời điểm đó, mức thu nhập hàng năm của gia đình anh Hiếu đạt trên 100 triệu đồng.

Nhờ biết cách làm ăn, không từ bỏ ước mơ làm giàu, đầu năm 2017 anh đầu tư mô hình sản xuất chế biến các mặt hàng nông sản Tây Bắc, nhận thu mua sản phẩm tươi về chế biến tại gia đình. Vừa làm vừa lũy tích kinh nghiệm, thường xuyên giới thiệu những ưu điểm của sản phẩm trên mạng xã hội. Vì vậy, cơ sở sản xuất của gia đình anh luôn duy trì được đầu vào, đầu ra ổn định, giúp tổng thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí trên 300 triệu đồng.

Anh Phạm Anh Dũng, đội 7, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) cũng là một trong những thanh niên điển hình với khát khao lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hiện anh cũng là thanh niên trẻ tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, được nhiều cấp, ngành biểu dương, ghi nhận. Anh Dũng cho biết, năm 2013, tận dụng lợi thế đất đai của gia đình, anh mạnh dạn vay 500 triệu đồng để xây dựng trang trại. Ban đầu anh đầu tư trồng gấc và cây đinh lăng làm cây trồng chủ lực cho trang trại của mình. Đến năm 2015, anh tiếp tục cải tạo trang trại, xây dựng theo mô hình vườn chuồng khép kín với quy mô 1,5ha; mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng với hơn 7.000m2; cùng với đó đầu tư nuôi thêm một số loại, như: chim bồ câu, gà, vịt, ngan, thỏ. Đến nay, trang trại của gia đình anh Dũng luôn duy trì khoảng 1.000 đôi bồ câu, mỗi tháng xuất bán từ 700 - 800 con. Đối với thỏ mỗi tháng trung bình xuất từ 5 - 6 tạ thịt và khoảng 2.000 con giống/tháng. Ngoài ra, mỗi năm anh cũng xuất ra thị trường khoảng 12 tấn gà, vịt. Trừ chi phí, mô hình kinh tế tổng hợp của anh cho thu nhập gần 900 triệu đồng/năm.

Anh Phạm Anh Dũng chia sẻ: Từ thành công của mô hình, hàng năm tôi cũng tạo điều kiện, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hơn nữa, với những thanh niên hay người dân trong vùng ai muốn học hỏi phương pháp phát triển kinh tế của gia đình, tôi không ngần ngại chia sẻ để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Các trường hợp trên chỉ là số ít trong rất nhiều ĐVTN trên địa bàn tỉnh dám nghĩ, dám làm, nắm bắt xu thế thị trường, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Đồng hành cùng ĐVTN vươn lên trong cuộc sống, hàng năm, đoàn các cấp thường xuyên vận động đoàn viên tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gắn với sản xuất nông - lâm nghiệp; khai thác thế mạnh của địa phương, nâng cao sản lượng và hiệu quả kinh tế gia đình... Bằng các hoạt động thiết thực, hiện nay, các cấp bộ đoàn đang tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế với tổng dư nợ ủy thác đến nay trên 973 tỷ đồng… Qua nguồn vốn vay, đã có hàng nghìn ĐVTN trong tỉnh vượt qua khó khăn, hàng trăm thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng với các mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp của các tổ chức đoàn đối với ĐVTN, những năm qua, các cấp bộ đoàn thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, nhân rộng mô hình mới, cách làm sáng tạo để lan tỏa sâu rộng trong toàn đoàn. Anh Mùa Chiến Thắng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ: Chúng tôi luôn đồng hành và mong muốn các bạn ĐVTN phát huy được tinh thần tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách; không ngại khó, ngại khổ tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế… từ đó, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top