ĐBP - Những hành động đẹp, việc làm tử tế có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu từ thực tiễn cuộc sống. Có thể không quá to tát nhưng những việc làm bình dị, mang nhiều ý nghĩa cho xã hội vẫn luôn toát lên vẻ đẹp tự thân, góp phần lan tỏa, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Nhặt được của rơi tìm trả lại người đánh mất, câu chuyện tưởng chừng rất đỗi bình thường thế nhưng lại chạm đến trái tim của nhiều người. Vừa qua, 3 em học sinh: Lò Nam Chung, Lò Quang Huy và Quàng Thị Ngọc Tiên cùng đang học lớp 6A1, Trường THCS xã Pom Lót (huyện Điện Biên) đã trở thành những tấm gương nghĩa cử cao đẹp. Chia sẻ về câu chuyện ý nghĩa, em Lò Nam Chung cho biết: Trên đường đi học về, em cùng bạn Huy, bạn Ngọc Tiên nhặt được một chiếc ví màu đen. Sau khi kiểm tra, chúng em thấy trong ví có nhiều tiền mặt và một số giấy tờ quan trọng, như thẻ ATM, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe... nên đã bàn nhau mang đến trụ sở Công an xã Pom Lót để nhờ các chú công an tìm giúp chủ nhân của chiếc ví.
Sau thời gian xác minh làm rõ, trước sự chứng kiến của Ban Giám hiệu Trường THCS Pom Lót và đại diện Công an xã Pom Lót, các em học sinh đã trao chiếc ví nhặt được cho chủ nhân. Nhận lại số tài sản đánh rơi, chị Nguyễn Thị Dung, thôn 3, xã Pom Lót cảm kích: “Tôi rất bất ngờ và cảm động khi nhận lại được số tiền và số giấy tờ đánh rơi. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất tới 3 em học sinh đã có nghĩa cử vô cùng cao đẹp”, chị Dung chia sẻ.
Đối với những người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, hình ảnh chàng trai có dáng dấp nhỏ nhắn, gần gũi và thân thiện Nguyễn Đức Thương, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Cũng không may mắn khi mang trên mình khiếm khuyết về cơ thể với cánh tay phải bị ngắn và teo lại, anh Thương càng thêm thấu hiểu những khó khăn mà những người khuyết tật phải gánh chịu. Đồng hành với những người khuyết tật trên địa bàn, anh Thương đã quyết định tham gia Dự án tăng cường dịch vụ chăm sóc mắt và thúc đẩy một cộng đồng hòa nhập tại tỉnh Điện Biên. Không ngại đường sá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, bằng cánh tay trái lành lặn còn lại, anh Thương đồng hành cùng chiếc xe máy thân quen đi khắp các nẻo đường vùng cao. Chỉ cần có thông tin về những trường hợp người khuyết tật khó khăn, không địa bàn nào mà chàng trai khuyết tật không tìm đến. Sau mỗi chuyến đi, từng thông tin, hoàn cảnh của mỗi trường hợp người khuyết tật được anh tìm hiểu, nắm bắt để sàng lọc, lựa chọn đối tượng phù hợp với tiêu chí của Dự án. Từ sự kết nối của anh Thương, đã có gần 1.000 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh nhận được sự hỗ trợ, có thêm động lực để vượt lên số phận, ổn định cuộc sống. Không chỉ làm tốt công tác kết nối cộng đồng, anh Thương còn không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế, tự lực vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện cửa hàng rèm mành của anh đã có chỗ đứng trên thị trường và tạo việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động, với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Anh Thương cho biết: Đối với người khuyết tật, số phận khiến họ phải gánh chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Vì thế, họ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với mọi người để có được tương lai tươi sáng. Bản thân tôi luôn tâm niệm, dù có khó khăn đến đâu nếu bản thân không ngừng cố gắng, giữ vững niềm tin và hi vọng thì sẽ gặt hái được thành công. Vì vậy, tôi muốn góp sức của mình giúp đỡ những người yếu thế có động lực vượt lên số phận, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Cũng với mong muốn góp thêm nguồn năng lượng tích cực cho xã hội, lan tỏa hành động có ích cho cộng đồng, anh Đỗ Trường Sơn, hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn tích cực tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện. Hơn 12 năm kể từ ngày đầu tiên tham gia hiến máu tình nguyện, đến nay anh Sơn đã 28 lần hiến những giọt máu của mình để cứu giúp những bệnh nhân điều trị bệnh. Không chỉ hiến máu tình nguyện theo đợt, anh Sơn luôn sẵn sàng tham gia hiến máu đột xuất khi có bệnh nhân cần máu gấp. Cùng với đó, anh còn tích cực vận động người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia hiến máu cứu người. Anh Sơn cho biết: Mỗi người có một cách tình nguyện khác nhau, đối với tôi, tình nguyện là chia sẻ những giọt máu của mình cho những người đang cần. Bản thân tôi thường xuyên tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn, biết đến những bệnh nhân sống nhờ những giọt máu được tiếp hàng ngày nên đã thấu hiểu và tích cực với công tác nhân đạo này. Những giọt máu hiến tặng sẽ mang lại những hiệu quả lớn và vô cùng quan trọng đối với những bệnh nhân đang đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.
Đây chỉ là 3 trong nhiều tấm gương tiêu biểu làm những việc tốt có ích cho xã hội. Hành động đẹp của họ đã lan tỏa đến cộng đồng, tạo nên những năng lượng sống tích cực và nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Lan tỏa cái đẹp để dẹp đi cái xấu không phải là điều quá khó. Qua đó, góp phần thay đổi suy nghĩ, hành vi theo những chuẩn mực văn hóa, đạo đức để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.