ĐBP - Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề, huyện Mường Ảng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho người lao động, nhất là phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, huyện cũng chú trọng thực hiện hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, nguyện vọng của người lao động; đa dạng hóa các hình thức và phương pháp đào tạo nhằm nâng cao chất lượng sau đào tạo nghề.
Bà Đỗ Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Mường Ảng cho biết: “Hằng năm Trung tâm được UBND huyện giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trên cơ sở đó Trung tâm xây dựng kế hoạch, khảo sát, điều tra và tuyển sinh, cơ bản là Trung tâm đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Đặc biệt trong năm 2022, 2023 chương trình mục tiêu về đồng bào dân tộc miền múi, chương trình giảm nghèo bền vững đã có nguồn kinh phí và rất hiệu quả. Qua khảo sát, đào tạo chúng tôi đã triển khai đầy đủ ở 9 xã, đặc biệt là những xã có khả năng phát triển nghề nông nghiệp, Trung tâm triển khai mỗi năm 3 khóa, mỗi khóa từ 5 đến 6 lớp, người lao động tham gia tương đối đảm bảo và có chuyển biến rõ nét về nhận thức”.
Tại xã Ẳng Nưa, những năm qua, sau khi Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức các lớp dạy nghề, người dân trên địa bàn xã đã áp dụng kiến thức, kỹ năng nghề vào phát triển mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, địa phương. Điển hình như gia đình chị Lường Thị Vui, bản Lé, xã Ẳng Nưa. Sau khi tham gia học nghề kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi lợn nái và lợn thịt. Nắm vững kiến thức từ lớp học, chị Vui áp dụng vào chăn nuôi tại gia đình. Hiện nay gia đình chị Vui đang nuôi 4 con lợn nái và gần 20 con lợn thịt, hàng trăm con gia cầm, thỏ và ao cá, tạo nguồn thu gần 100 triệu đồng mỗi năm. Chị Lường Thị Vui chia sẻ: “Sau khi học lớp chăn nuôi ở xã, tôi áp dụng kiến thức đã học vào chăn nuôi tại gia đình và thấy rất hiệu quả. Tôi biết cách phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, phun khử trùng chuồng nuôi, do đó đàn vật nuôi phát triển rất tốt, không bị dịch bệnh. Mỗi năm gia đình tôi bán được 2 lứa lợn và hàng trăm con gia cầm các loại”.
Không chỉ tổ chức hiệu quả các lớp dạy nghề về kỹ thuật trong chăn nuôi mà các lớp dạy kỹ thuật trồng rau an toàn, thâm canh cây ăn quả… do Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức thời gian qua cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Theo thống kê từ năm 2020 đến nay, Trung tâm GDNN - GDTX huyện đã tổ chức 34 lớp dạy nghề, đào tạo cho 731 lao động với các nghề chủ yếu như: Sản xuất rau an toàn; chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn; thâm canh cây ăn quả; chăn nuôi gia cầm. Qua đào tạo nghề đã có trên 80% lao động có việc làm và áp dụng kiến thức đã học vào phát triển sản xuất, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn và tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Bà Đỗ Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mường Ảng cho biết thêm: “Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững của huyện”.