Nỗ lực bao phủ BHXH, BHYT

08:43 - Thứ Năm, 06/07/2023 Lượt xem: 4940 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98%; BHXH tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành BHXH, tỷ lệ người dân tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Cán bộ BHXH tỉnh tuyên truyền, vận động người dân tại TP. Điện Biên Phủ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ảnh: Trịnh Hà

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Trong thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhiều giải pháp để phát triển mở rộng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, số người tham gia BHXH, BHYT không ngừng tăng. Ước đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 50.880 người tham gia BHXH (trong đó BHXH bắt buộc 37.480 người, BHXH tự nguyện 13.400 người), đạt 89,9% dự toán BHXH Việt Nam giao, tăng 1.074 người so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động là 16,28%. Số đối tượng tham gia BHYT là 604.000 người, đạt 98,37% dự toán BHXH Việt Nam giao, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 7.019 người (1,16%). Tỷ lệ bao phủ BHYT là 93,7% dân số.

Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, song công tác bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, lao động trong độ tuổi phần lớn là người dân tộc thiểu số, chủ yếu sản xuất nông nghiệp đơn thuần, tự cung tự cấp không có thu nhập thường xuyên, không phát sinh quan hệ lao động. Người dân trong độ tuổi lao động hầu hết đi làm ăn xa ở các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp dẫn tới khó khăn trong phát triển người tham gia BHXH bắt buộc. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng lao động trong gia đình hoặc thuê khoán theo ngày. Mức đóng BHXH tự nguyện của người dân tăng trong khi thu nhập người dân thấp, không ổn định khiến nhiều người ngừng đóng để chờ hưởng BHXH một lần.

Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên có trên 48.000 người dân bị ảnh hưởng giảm thẻ BHYT. Với đặc thù là tỉnh miền núi nghèo, đa số là người dân tộc thiểu số rất khó khăn về kinh tế, thu nhập bấp bênh nên phần lớn người dân sau khi bị cắt giảm thẻ BHYT không có nguồn tài chính để tham gia BHYT hộ gia đình. Mặc dù BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực trong rà soát, tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn còn 11.472 người không có đủ điều kiện kinh tế để tham gia BHYT. Từ đó làm giảm độ bao phủ BHYT là 98,5% (năm 2020) xuống còn 93,1% (tại tháng 6 năm 2023).

Đồng bộ nhiều giải pháp

Xác định công tác truyền thông là “chìa khoá” để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT. BHXH tỉnh đã kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, tăng cường công tác truyền thông cơ sở, với phương thức truyền thông được vận dụng linh hoạt theo từng thời điểm; hình thức đa dạng như truyền thông qua báo chí, truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội, truyền thông trực tiếp qua các hội nghị tư vấn, hoạt động truyền thông nhóm nhỏ, đặc biệt là truyền thông trên loa, đài tới tận thôn, bản bằng 3 thứ tiếng (Thái, Mông, Kinh)... Nội dung truyền thông xúc tích về quyền, lợi ích và giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT với các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ.

Tại huyện Tủa Chùa, hoạt động truyền thông được BHXH huyện triển khai thiết thực, phù hợp đến từng cơ sở nhằm góp phần đưa BHXH, BHYT đến với người dân. Các buổi tuyên truyền trực tiếp được BHXH huyện phối hợp với Bưu điện huyện, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã hội tại các xã, thị trấn tổ chức. Bằng những dẫn chứng cụ thể, nội dung ngắn gọn đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

Bà Vũ Thị Nguyệt Minh, Giám đốc BHXH huyện Tủa Chùa cho biết: Cùng với tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp, cán bộ BHXH huyện đã phối hợp các đại lý thu đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, BHXH huyện phối hợp với Trung tâm Truyền thanh - Truyền hình huyện đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn. Trong đó, trọng tâm hướng tới người lao động ở khu vực thị trấn, các tiểu thương, nông dân sản xuất, kinh doanh trang trại, có thu nhập ổn định...

Xác định sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương các cấp đối với chính sách BHXH, BHYT là yếu tố quan trọng để ngành BHXH thực hiện tốt mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT; BHXH tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đặc biệt là các giải pháp phát triển BHXH, BHYT phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Trong đó, chú trọng ban hành các nghị quyết, chương trình hành động thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn; tham mưu, đề xuất đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHXH, BHYT, BHTN vào nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong công tác tổ chức, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT tại địa phương bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra...

Châu Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top