Xử phạt, thu hồi giấy phép nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động

08:37 - Thứ Sáu, 14/07/2023 Lượt xem: 4766 In bài viết

Do vi phạm các quy định về luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, 3 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã bị xử phạt hành chính tổng cộng là 325 triệu đồng. 3 doanh nghiệp khác bị thu hồi giấy phép do không đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã ra quyết định xử phạt hành chính ba công ty xuất khẩu lao động, số tiền 325 triệu đồng.

 Người lao động tham gia kỳ thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc.

Cụ thể, Cục quyết định xử phạt hành chính 180 triệu đồng đối với doanh nghiệp xuất khẩu lao động là Công ty CP Vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế - INLACO SAIGON (TP.HCM). Công ty này bị xử phạt là do ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với 2 lao động; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng người đăng ký theo hợp đồng cung ứng lao động 322 người.

Công ty cổ phần đầu tư Thuận An DMC (Hà Nội) bị xử phạt 85 triệu đồng do ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với 3 lao động; thanh lý hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không theo quy định pháp luật; không hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; đóng không đúng thời hạn vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định pháp luật.

Công ty CP tư vấn du học và thương mại Giang Anh (Hà Nội) bị xử phạt 60 triệu đồng, do không duy trì một trong các điều kiện quy định tại điều 10 của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật trong suốt quá trình hoạt động.

Bên cạnh bị xử phạt hành chính, Công ty CP tư vấn du học và thương mại Giang Anh còn bị đình chỉ hoạt động 9 tháng.

Trước đó, Bộ LĐTBXH đã có quyết định thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với 3 doanh nghiệp xuất khẩu lao động gồm: Công ty cổ phần Vinaconex Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), Công ty TNHH đào tạo quốc tế Đông Đô (Hà Nội) và Công ty CP quốc tế Hoàng Gia Long (Hà Nội).

Việc thu hồi giấy phép là do các doanh nghiệp này không đảm bảo các điều kiện theo quy định tại luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: ký quỹ, số lượng nhân viên nghiệp vụ và cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Bộ LĐTBXH yêu cầu các công ty trên, sau khi chấm dứt hoạt động vẫn tiếp tục có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng lao động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top