Khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt

09:12 - Thứ Năm, 20/07/2023 Lượt xem: 5236 In bài viết

ĐBP - Nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hiệu quả, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô tại nhiều địa bàn vùng cao trong tỉnh. Ðể khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt nông thôn, các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp như: Ðầu tư xây mới, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ bồn, téc nước cho người dân; tăng cường tuyên truyền người dân bảo vệ nguồn nước, không chặt phá rừng.

Người dân thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, thậm chí cả trong mùa mưa.

Tủa Chùa là một trong những huyện thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt. Một trong những nguyên nhân do thiếu công trình nước sinh hoạt, hoặc đã được đầu tư nhưng xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hiệu quả. Hiện nay, toàn huyện có 112 công trình nước sinh hoạt, được thiết kế đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh cho gần 36.000 người (đạt 57,8% trong tổng dân số 61.017 người toàn huyện). Tuy nhiên, đến nay có 11 công trình hư hỏng, xuống cấp không sử dụng được. Hầu hết các công trình nước sinh hoạt được đầu tư trên địa bàn đều là công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy; nguồn cung cấp nước không ổn định, thường chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu trong mùa khô, còn lại người dân vẫn phải trông trời mưa.

Theo thống kê của UBND huyện Tủa Chùa, hiện nay trên địa bàn toàn huyện còn khoảng 17.000 người dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 82,32% (không thường xuyên). Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn toàn huyện chỉ đạt 2,4% - là tỷ lệ rất thấp so với mục tiêu theo Kết luận số 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Không chỉ riêng huyện Tủa Chùa, tại nhiều địa bàn khác như: Xa Dung, Háng Lìa, Keo Lôm (Ðiện Biên Ðông); Phình Sáng, Rạng Ðông, Pú Nhung, Pú Xi (Tuần Giáo); Nậm Tin, Vàng Ðán, Na Cô Sa (Nậm Pồ)… thậm chí ngay cả tại một số xã, thị trấn khu vực trung tâm huyện Mường Chà, Mường Nhé cũng thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Nguyên nhân do nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hiệu quả. Cùng đó, mô hình quản lý còn bộc lộ nhiều hạn chế (UBND xã, cộng đồng thôn, bản quản lý). Công tác quản lý chưa được quan tâm thường xuyên; không có kinh phí quản lý và sửa chữa hệ thống công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp; nước ở các khe suối ngày càng cạn kiệt; một số bản nằm trong khu vực cát tơ nên không có nước mặt hoặc có nhưng ít.

Ðể khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, những năm qua từ các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng. Ðiển hình như năm 2022, bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư, công trình cấp nước thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với công suất 2.500m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 4.500 nhân khẩu và dự kiến đến năm 2030 sẽ cấp nước phục vụ cho hơn 11.700 nhân khẩu trên địa bàn thị trấn và các bản lân cận.

Cùng với đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung, thời gian qua các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động thiết thực, được cộng đồng dân cư tích cực tham gia để bảo vệ nguồn nước, như: Ra quân nạo vét, vớt rác lòng sông, khơi thông dòng chảy, trồng rừng bảo vệ nguồn nước… Ðầu tháng 6/2023, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa phối hợp với Chương trình vùng Tủa Chùa tổ chức truyền thông thay đổi hành vi duy trì và bảo vệ các công trình cấp nước năm 2023, thuộc Dự án “Nước sạch cho người dân huyện Tủa Chùa” tại các thôn bản mục tiêu xã Mường Báng và  Xá Nhè với hàng nghìn người tham dự. Người dân được giới thiệu tổng quan về hệ thống nước; hướng dẫn quản lý, vận hành và duy tu các công trình cấp nước; hướng dẫn sử dụng một số thiết bị sửa chữa hệ thống ống dẫn, trữ nước; hướng dẫn lọc nước, xử lý và dự trữ nước an toàn hộ gia đình.

Hiện nay toàn tỉnh có hơn 1.000 công trình cấp nước tập trung, trong đó hơn 90% được giao cho cộng đồng quản lý; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 87%. Trong đó, sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung trên 51%; từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình gần 38%. Toàn tỉnh có 76/115 xã đạt tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 30%. Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước, các cấp chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, sử dụng, bảo quản; nâng cao năng lực cho tổ quản lý, vận hành công trình; lập phương án quản lý, vận hành khai thác và bảo trì, bảo dưỡng công trình. Tăng cường sự tham gia cộng đồng, đảm bảo tạo cơ hội thuận lợi và bình đẳng để người dân được hưởng lợi và tích cực tham gia vào hoạt động quản lý khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa đối với các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn. Ðặc biệt sau đầu tư, chú trọng công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức quản lý ở cơ sở; bố trí kinh phí duy tu bảo dưỡng để duy trì hoạt động bền vững cho các công trình nước sinh hoạt tâp trung. Củng cố, đổi mới mô hình quản lý khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; khuyến khích phát triển mô hình công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân tham gia quản lý khai thác các công trình. Từng bước chuyển dần từ xu hướng cấp nước phục vụ người dân sang định hướng dịch vụ đối với các vùng, khu vực có điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng nước, đảm bảo công trình được phát huy hiệu quả, ổn định lâu dài. Ðối với công trình xây mới, đầu tư theo thiết kế mẫu và cấp nước tới từng hộ, có hệ thống xử lý chất lượng nước đảm bảo theo quy chuẩn nước ăn uống Quy chuẩn Việt Nam số 02/2009 của Bộ Y tế.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top