Về bên gia đình, đồng đội...

08:50 - Thứ Bảy, 22/07/2023 Lượt xem: 4567 In bài viết

ĐBP - Gần 70 năm trôi qua từ thời khắc lịch sử vang dội - Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954), thế nhưng vẫn còn nhiều liệt sĩ góp sức làm nên chiến công ấy, vẫn chưa được tìm thấy để trở về bên đồng đội, gia đình. Các anh đang nằm lại đâu đó trên mảnh đất Ðiện Biên. Với trách nhiệm thiêng liêng và cao cả, tỉnh ta đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn, cố gắng đưa thêm nhiều liệt sĩ trở về...

Ông Nguyễn Xuân Dũng, cháu ruột liệt sĩ Nguyễn Văn Mân xem lại sơ đồ (photo sơ đồ vẽ tay sau giấy báo tử) trước khi đi thực địa.

Mãi mãi tuổi đôi mươi

Lứa thanh niên ngày ấy bừng bừng khí thế ra chiến trường, anh dũng chiến đấu đánh tan thực dân xâm lược. Ai cũng mang trong mình lý tưởng lớn lao, tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt và mong ước sớm hòa bình để về với gia đình. Thế nhưng trên chiến trường khốc liệt, trong mưa bom bão đạn, nhiều người đã ngã xuống. Các anh mãi mãi dừng lại ở tuổi mười tám, đôi mươi, nằm lại mảnh đất vùng biên viễn cực Tây Tổ quốc. Ngần ấy năm trôi qua, ở quê hương xa xôi, nhiều người thân của các anh vẫn đang hàng ngày, hàng giờ nhớ thương, mong mỏi, hy vọng tìm được phần mộ, đưa các anh về.

Cùng nỗi niềm ấy, đầu tháng 7 này, khắp các nghĩa trang liệt sĩ Ðiện Biên Phủ in dấu chân của gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Mân (xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Liệt sĩ Nguyễn Văn Mân nhập ngũ ngày 20/1/1952, hy sinh ngày 20/1/1954, trên đường kéo pháo vào trận địa. Gần 70 năm trôi qua, nay cháu của liệt sĩ mới có điều kiện lên nơi chú mình hy sinh để tìm kiếm thông tin. Cầm tờ giấy báo tử, mặt sau có những nét vẽ tay, chỉ dẫn vị trí chôn cất của chú, ông Nguyễn Xuân Dũng - cháu ruột, cũng là người hiện đang thờ cúng liệt sĩ, xót xa kể: “Chú tôi khi đi bộ đội đã có vợ và 2 con nhỏ. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, các em lần lượt mất sớm khi còn thơ bé. Tôi nghe người nhà kể lại, ngày nhận giấy báo tử, vợ chú đau buồn quá, không gắng gượng được cũng ra đi cùng chồng con. Nhiều năm đã qua nhưng nay tôi mới cùng 2 anh rể (đều trên 70 tuổi) lên Ðiện Biên được, mong có thể đưa chú về đoàn tụ với gia đình”.

Ðặt chân đến Ðiện Biên, các ông đi khắp các nghĩa trang nơi yên nghỉ của những liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ để thắp hương và dò tìm tên chú mình nhưng không thấy. Các ông đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ðiện Biên liên hệ thông tin và được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự TP. Ðiện Biên Phủ hỗ trợ tìm kiếm. Theo chỉ dẫn trên giấy báo tử, đoàn tìm đến đường số 41 (xưa), đoạn có suối cắt qua, có bản làng người bản địa lâu đời, nay là khu vực bản Nà Cáy, xã Nà Tấu, TP. Ðiện Biên Phủ. Các ông đã dành 3 ngày đến khu vực này để khảo sát, hỏi chuyện từ người dân, người cao tuổi, xác định các vị trí vẽ sau giấy báo tử. Sáng ngày 11/7, đoàn đến khu vực mộ theo sơ đồ, nơi đây hiện đã san phẳng, là ruộng lúa của người dân. Tuy nhiên, cụ ông hơn 80 tuổi, nhà gần cạnh, xác nhận, trước kia có 2 ngôi mộ (ụ đất đắp cao) ở vị trí đó. 1 ngôi đã được cất bốc từ lâu, 1 ngôi thì sau nhiều năm đã bị san bằng.

Không còn dấu tích ngôi mộ nhưng ông Nguyễn Xuân Dũng cùng các anh của mình có niềm tin vào những thông tin thu nhận được. Ông Dũng chia sẻ: “Có điều thôi thúc anh em tôi, cảm thấy như chú ở nơi này. Chúng tôi sẽ về bàn bạc gia đình và làm các thủ tục cần thiết để đến mùa khô thì thực hiện cất bốc, tìm hài cốt chú, đưa chú về sum họp với vợ con”.

Trọn nghĩa ân tình với người đã mất

Từ năm 2022 đến nay, tại địa bàn tỉnh ta đã có thêm nhiều liệt sĩ được đưa về với đồng đội, gia đình. Thượng tá Phạm Xuân Lợi, Trưởng ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Toàn tỉnh đã tiếp nhận được 35 thông tin liên quan về mộ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi đã khảo sát, xác minh, lập bản đồ. Trong đó có 12 thông tin giá trị, nhờ đó cất bốc được hài cốt 4 liệt sĩ tại địa bàn Tuần Giáo (chưa xác định được danh tính) đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện; 2 liệt sĩ tại TP. Ðiện Biên Phủ (1 người có danh tính, 1 người chưa xác định), 2 liệt sĩ tại huyện Ðiện Biên (có danh tính), đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ðộc Lập. Ngoài ra, có 4 thông tin liệt sĩ (nơi chôn cất) tại địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông đã được xác minh, sắp tổ chức cất bốc, quy tập.

Liệt sĩ Tô Kim Chủy, quê xã Ðông Hòa, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình cũng đã về với đồng đội, gia đình sau 68 năm nằm lại chiến trường xưa. Suốt nhiều năm, các cháu của liệt sĩ mòn mỏi đi tìm, cuối cùng cũng đã hoàn thành tâm nguyện của ông bà, bố mẹ đón được bác. Liệt sĩ Chủy nhập ngũ năm 1949, hi sinh năm 1954. Vị trí chôn cất được đánh dấu là gần gốc cây to, nhưng qua mấy chục năm, mọi thứ đều thay đổi. Sau nhiều lần xác minh, lực lượng chức năng cùng gia đình, với sự hỗ trợ của người dân trong bản quyết định đào vị trí bờ ruộng rau của 1 gia đình, và tìm được một phần hài cốt của liệt sĩ như mong ước.

Cháu của liệt sĩ là ông Tô Văn Quang không khỏi xúc động: “Hơn hai phần ba thế kỷ trôi qua, nay gia đình tôi tìm được hài cốt thân nhân của mình là niềm hạnh phúc vô bờ. Niềm vui nhân lên gấp bội khi tại mảnh đất Ðiện Biên này, gia đình chúng tôi có thêm những người bạn mới với tình cảm chân thành, nồng ấm. Họ là những đồng chí quân nhân, cán bộ viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương đã chủ động tiếp cận, hướng dẫn các thủ tục, tổ chức tìm kiếm, cất bốc và truy điệu, an táng trang nghiêm, ấm áp cho bác tôi. Cùng với đó còn bố trí chỗ ăn, nghỉ, đưa đón gia đình tôi. Ðiện Biên không chỉ là nơi yên nghỉ của bác tôi mà sẽ là quê hương thứ 2 của gia đình tôi”.

Hàng năm vẫn có biết bao thân nhân vượt đường xa lên mảnh đất Ðiện Biên để tìm kiếm người thân mình. Ðể làm tròn nhiệm vụ, trọn trách nhiệm, nghĩa tình với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ không phải điều dễ dàng. Thiếu tá Ðào Xuân Trường, Trợ lý Ban Chính sách, là người đồng hành cùng các gia đình tìm kiếm, cất bốc hài cốt các liệt sĩ, chia sẻ: Có nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, xác minh nơi chôn cất liệt sĩ. Bởi thông tin có được thì hạn chế, đôi khi phải khai thác thêm từ các cựu chiến binh, già làng, cao niên tại địa bàn, nhưng do đã quá lâu nên nhiều cụ không còn nhớ hoặc không đủ minh mẫn. Nhiều địa điểm đánh dấu là mộ liệt sĩ đã bị san lấp hoặc bào mòn bởi mưa gió, thời gian; nhiều vị trí sâu trong rừng, khe suối là trạm tiểu phẫu, bệnh viện dã chiến thời kỳ chống Pháp... Hơn nữa, sau từng ấy năm, hài cốt liệt sĩ chỉ còn là nắm đất đen, đoạn xương, mẩu xương, di vật...

Dù vậy, các lực lượng chức năng, các cá nhân được giao nhiệm vụ vẫn luôn cố gắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Ban CHQS cấp huyện, phối hợp với các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền nhân dân cung cấp thông tin liên quan đến các liệt sĩ, vị trí nghi là phần mộ của liệt sĩ, nỗ lực làm sao để đưa các liệt sĩ trở về...

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top