ĐBP - Với những người làm việc tại các nghĩa trang liệt sĩ, đây là một nghề đặc biệt. Những nhân viên quản trang luôn tâm niệm, công việc mình làm còn thể hiện lòng biết ơn, trách nhiệm với những người đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc...
Chúng tôi đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Ðộc Lập, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) vào một ngày trung tuần tháng 7. Những hàng cây được chăm sóc, cắt tỉa gọn gàng, các ngôi mộ được lau dọn sạch sẽ; mùi nhang thoảng nhẹ, tạo cảm giác linh thiêng yên bình. Ðể có được không gian như vậy, mỗi nhân viên quản trang đã cần mẫn mỗi ngày, công việc chẳng mấy lúc ngơi tay.
Ông Vương Xuân Thấm (sinh năm 1967) từng công tác trong lĩnh vực văn hóa tại xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên), ông Thấm quyết định về làm nhân viên quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ðộc Lập. Một trong những lý do là vì thấy ngày đó đường đi lại khó khăn quá, nhiều thân nhân liệt sĩ không thể đến hương khói. Ngay cả lễ, tết cũng rất ít người đến thăm viếng được, nhìn những ngôi mộ hương lạnh ông thấy xót xa.
22 năm gắn bó với công việc trông nom, chăm sóc nơi yên nghỉ của 2.432 liệt sĩ hi sinh trên chiến trường Ðiện Biên Phủ năm xưa, ông Thấm không chỉ coi đó là công việc đơn thuần mà còn là cách để được hàng ngày chăm sóc “giấc ngủ” cho những liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây. Với những ngôi mộ chưa biết tên, ông xem như người thân của gia đình, chăm sóc một cách chu đáo để các anh được an ủi khi người thân các anh chưa tìm thấy.
Ông Thấm chia sẻ: “Công việc của mình dẫu có vất vả đến đâu cũng không so sánh được với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu vì nền độc lập của dân tộc. Bản thân tôi là phận con, cháu; được sớm hôm thay mặt các thân nhân gia đình chăm sóc các phần mộ, là may mắn, trách nhiệm lớn của tôi. Chăm lo, quét dọn nơi yên nghỉ của các anh luôn xanh, sạch, đẹp, để cho các thân nhân thấy ấm lòng”.
Hàng ngày, ông Thấm cắt cỏ, cắt tỉa cây cảnh, trồng các loài hoa cho phù hợp với cảnh quan khu nghĩa trang, chăm sóc từng ngôi mộ; sắp xếp các phần việc khi đón tiếp các đoàn đến thăm, thỉnh chuông báo với anh linh các liệt sĩ, sắp xếp nghi lễ khánh tiết để khách an lòng và có cảm giác được chu đáo nhất khi dâng hoa, dâng hương tưởng niệm.
Mặc dù công việc chỉnh trang, cắt tỉa cây xanh tại Nghĩa trang Ðộc Lập tốn rất nhiều thời gian, công sức nhưng ông Thấm vẫn đảm nhiệm thêm công việc này ở Nghĩa trang Tông Khao, Him Lam, A1. Mỗi ngày ông đều bắt đầu công việc từ sáng sớm và kết thúc khi đã tối muộn. Những hàng cau ông trồng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ðộc Lập đã cao hàng chục mét, những khóm hoa luôn nở ngát hương thơm.
Gần 20 năm qua, bất kể ngày mưa hay nắng, bà Nguyễn Thị Miến, nhân viên quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1, TP. Ðiện Biên Phủ đều cần mẫn dọn dẹp, sửa sang lại bát hương, nhặt từng ngọn cỏ cho 645 ngôi mộ.
Bên cạnh việc giữ sự bình yên cho những người đã khuất, bà Miến còn thường xuyên tiếp đón các đoàn khách, thân nhân, đồng đội liệt sĩ mỗi khi đến đây thăm viếng. Nhiều năm làm quản trang, bà đã chứng kiến nhiều gia đình từng tới đây để tìm người thân của mình. Có gia đình thì tìm được phần mộ, nhưng cũng không ít trường hợp phải ngậm ngùi ra về trong nước mắt.
Có những gia đình thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh Thái Bình, Nam Ðịnh… do điều kiện ở xa, không thường xuyên lên thăm được cũng gửi gắm bà chăm sóc giúp họ. Bà Miến vui vẻ nhận lời để gia đình yên tâm, vì không cần họ gửi gắm, bản thân bà cũng sẽ tận tâm chăm sóc.
Xúc động khi đến thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1, chị Ðào Thị Nhung, du khách đến từ TP. Hà Nội chia sẻ: Ðây là lần thứ 2 tôi đến thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1. Khi bước chân đến đây, tôi thấy khuôn viên sạch, đẹp, khang trang, cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, phần mộ của các liệt sĩ được chăm lo sạch sẽ. Các nhân viên quản trang ở đây ai cũng gần gũi, thân thiện, hướng dẫn nhiệt tình, họ phải thật sự yêu nghề mới làm tốt như vậy”.
Trong những ngày tháng 7 này, không chỉ ông Thấm, bà Miến mà tất cả những người quản trang lại tất bật hơn với công việc chăm sóc phần mộ, đón tiếp thân nhân, người dân đến thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Họ thầm lặng cống hiến bằng những hành động thiết thực, ý nghĩa, giúp chúng ta thêm hiểu và trân trọng về sự hi sinh của thế hệ đi trước vì hòa bình, độc lập dân tộc.