ĐBP - Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi vào quá khứ gần 50 năm, nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn ngày đêm đè nặng lên thân thể những người lính “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” năm nào, tàn phá biết bao thế hệ con cháu của họ. Ðể bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân với những người đã hi sinh cho sự nghiệp thống nhất dân tộc, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm, chăm lo đối với người có công, trong đó có cả các nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội, sự sẻ chia, giúp đỡ đó đã phần nào xoa dịu nỗi đau mang tên “da cam/dioxin”.
Hàng năm, cứ đến đầu tháng 8, ngôi nhà của cựu chiến binh Phạm Mạnh Toàn, thôn Ðại Thanh, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) lại trở nên nhộn nhịp bởi có sự ghé thăm của những người đồng đội, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8). Sự quan tâm, động viên chia sẻ ấy đã phần nào an ủi cho những nỗi đau mà ông và gia đình phải gánh chịu suốt mấy chục năm qua. Nhất là khi người con trai của ông đã bị thần kinh kích động do ảnh hưởng của chất độc hóa học từ khi ông Toàn chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.
Nhìn người con hơn 30 tuổi nhưng ngờ nghệch như một đứa trẻ, ông Toàn chua xót: “Chiến đấu hết mình để thống nhất đất nước, những người lính như chúng tôi không tiếc tuổi thanh xuân. Thế nhưng, sau khi phục viên trở về đời thường, lập gia đình lại chịu đựng nỗi đau quá lớn khi những đứa con sinh ra cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Và đây, đứa con này, hơn 30 năm qua, hai thân già vẫn cặm cụi chăm sóc cho con, vì bị chất độc da cam nên không được khôn ngoan như người bình thường. Cũng may, những năm qua, các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh đã quan tâm, chăm lo và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách giúp đỡ những nạn nhân da cam như gia đình nên những vất vả cuộc sống cũng vơi bớt phần nào. Dù không thể khỏa lấp nỗi đau da cam này nhưng đó cũng là sự động viên để gia đình vượt qua khó khăn…”.
Hơn 40 năm qua, gia đình và người thân vẫn luôn tận tình chăm cho anh Ðàm Ngọc Hưng, thôn Hưng Thịnh, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) - nạn nhân di chứng thứ 2 của chất độc màu da cam. Bố anh - người lính đã từng chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bị nhiễm chất độc hóa học nên đã để lại di chứng cho con mình. Và giờ đây, dù đã khá lớn tuổi nhưng anh Hưng vẫn ngây ngô như một đứa trẻ. Ðể sẻ chia, xoa dịu nỗi đau này, những ngày tháng 8 hàng năm, gia đình anh Hưng đều nhận được những phần quà của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng như chính quyền địa phương. Một sự hỗ trợ tuy nhỏ về vật chất, nhưng lại là sự quan tâm vô cùng ý nghĩa về mặt tinh thần đối với các nạn nhân da cam như anh Hưng.
Ông Nguyễn Danh Liêm, chú của anh Hưng chia sẻ: “Cháu Hưng không thể tự chăm sóc được bản thân nên mọi sinh hoạt phải nhờ sự trợ giúp của gia đình em gái. Thấu hiểu những đỗi đau về thể xác và tinh thần mà các cháu phải chịu đựng, những ngày này, các thành viên trong Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình như một sự sẻ chia làm vơi đi những khó khăn, thiệt thòi…
Ngoài các nạn nhân chất độc da cam như gia đình ông Toàn, anh Hưng, hiện nay toàn tỉnh còn 238 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đang hưởng trợ cấp; trong đó trên 200 người trực tiếp tham gia kháng chiến còn lại là các thế hệ sau bị nhiễm chất độc da cam. Với tâm niệm “tàn nhưng không phế”, không ít nạn nhân đã nỗ lực vươn lên, vượt qua nỗi đau mang tên da cam/dioxin. Thế nhưng cũng không ít người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi di chứng của thứ chất độc quái ác này, thậm chí nỗi đau ấy đã đè nặng lên thế hệ thứ 2. Ðể phần nào xoa dịu nỗi đau, sự hy sinh to lớn ấy, Ðảng, Nhà nước, các cấp, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với những nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bày tỏ: Những người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học là những người có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không chỉ bản thân họ mà cả những người thân trong gia đình cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/dioxin. Việc quan tâm thực hiện các chính sách của Ðảng và Nhà nước cũng như thực hiện công tác xã hội hóa đối với các nạn nhân chất độc màu da cam trong thời gian qua luôn được triển khai kịp thời và khá đầy đủ. Qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn thể xã hội với nạn nhân chất độc da cam, tạo niềm tin, động lực để họ vươn lên trong cuộc sống. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng phát huy truyền thống người lính cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ðảng và Nhà nước, nhiều nạn nhân đã nỗ lực vươn lên, tham gia lao động, sản xuất, làm giàu để trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Dù không thể “hàn gắn” được hết những vết thương, nỗi đau do chiến tranh để lại, song mỗi một hành động sẻ chia là một lần góp phần xoa dịu nỗi đau đối với những nạn nhân bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng chính là động lực giúp nhiều nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Những phần quà giá trị vật chất dù ít hay nhiều cũng thể hiện sự chung tay quan tâm, chia sẻ để giúp đỡ nạn nhân da cam; giúp họ có thêm điểm tựa, động lực vượt qua khó khăn và tiếp tục sống có ích cho xã hội.