ĐBP - Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghi ngờ do ăn bún tươi của một cơ sở sản xuất trên địa bàn phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ. May mắn là đến thời điểm này, sức khỏe các trường hợp ngộ độc đều đã ổn định trở lại. Đây có thể xem là hồi chuông cảnh báo đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng...
Trong sáng ngày 8/9, quán ăn Đ.T.H, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên phục vụ khoảng 60 suất ăn gồm bún bò, phở bò (trong đó có khoảng 30 suất bún bò). Sau ăn khoảng 1 giờ cùng ngày, 3 người có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị với chẩn đoán rối loạn tiêu hóa và theo dõi ngộ độc thực phẩm. Chiều cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận thêm 5 bệnh nhân và Trung tâm Y tế huyện Điện Biên tiếp nhận 4 bệnh nhân có triệu chứng tương tự nhập viện để điều trị. Các trường hợp nhập viện được xử trí bằng truyền dịch, nâng cao thể trạng. Cả 12/12 bệnh nhân nhập viện đều ăn bún bò tại quán Đ.T.H nêu trên.
Bệnh nhân C.T.T.H, đội 5, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên cho biết: “Sáng nay tôi đưa con gái đi học lúc 6 rưỡi. Cháu đòi ăn bún nên 2 mẹ con cùng vào quán và ăn chung 1 bát. Sau đó, tôi đưa cháu đi học bình thường. Về nhà khoảng 2 - 3 tiếng sau thấy người tê mỏi như kiểu sắp ốm. Lúc 11 giờ tôi đi đón cháu ở trường về thì cháu kêu buồn nôn. Và khi về nhà tôi cùng con bị nôn nhiều lần, nôn hết đồ ăn sáng. Mà cả buổi sáng tôi chỉ ăn mỗi bát bún đó thôi…”.
Còn tại huyện Tủa Chùa, khoảng 7 giờ sáng ngày 9/9 quán ăn L.T.N, xã Tả Sìn Thàng phục vụ khoảng 25 bát bún. Sau ăn khoảng 2 giờ cùng ngày, 1 người có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần vào Phòng khám Đa khoa khu vực Tả Sìn Thàng. Từ 14h - 15h cùng ngày, Phòng khám Đa khoa khu vực Tả Sìn Thàng tiếp nhận thêm 4 bệnh nhân là trẻ em có triệu chứng tương tự. Cả 5 bệnh nhân trên được điều trị theo phác đồ truyền dịch và uống kháng sinh đường ruột. Qua khai thác thêm thông tin, ngoài 5 bệnh nhân vào Phòng khám, có 6 trường hợp khác cũng ăn bún tại quán ăn trên cùng thời điểm và cũng xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng ở mức độ nhẹ hơn nên không đến cơ sở y tế điều trị.
Ngoài huyện Điện Biên, huyện Tủa Chùa, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ cũng có thêm 6 ca nhập viện điều trị với tình trạng và nguyên nhân tương tự. Qua điều tra và sàng lọc, nguồn cung cấp bún tươi cho quán ăn Đ.T.H, xã Thanh Yên là cơ sở sản xuất bún Triệu Minh Phú ở phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Tương tự quán ăn L.T.N, xã Tả Sìn Thàng lấy bún tươi qua xe khách tuyến Tả Sìn Thàng - Điện Biên vào khoảng 17 giờ ngày 8/9. Nhà xe cho biết cũng nhập bún tại cơ sở sản xuất Triệu Minh Phú ở phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ…
Xâu chuỗi các thông tin khai thác được, ngay trong tối 8/9, TP. Điện Biên Phủ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra cơ sở sản xuất bún nêu trên. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và người lao động; phiếu kết quả kiểm nghiệm đã hết hạn; điều kiện sản xuất của cơ sở chưa đảm bảo… Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu test nhanh và mẫu kiểm nghiệm bún tại cơ sở sản xuất. Mẫu kiểm nghiệm được gửi về Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để tiến hành các bước xét nghiệm tiếp theo. Mặc dù còn phải chờ kết quả kiểm nghiệm, nhưng với những vấn đề tồn tại của cơ sở sản xuất bún Triệu Minh Phú, đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị chủ cơ sở tạm dừng sản xuất để hoàn tất thủ tục liên quan…
Khi thông tin về vụ ngộ độc thực phẩm nghi liên quan đến bún tươi lan truyền rộng rãi, nhiều người dân bày tỏ sự hoang mang, lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống hiện nay. Thậm chí nhiều người còn tạm dừng việc ăn uống tại các hàng quán bên ngoài, đặc biệt là các món liên quan đến bún tươi vào thời điểm này để chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng.
Chị V.T.N, tổ 12, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ thường xuyên dùng bữa ở các quán ăn uống do tính chất công việc bận rộn. Mấy ngày hôm nay xôn xao vụ ngộ độc nghi ngờ do bún tươi cũng khiến chị lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị V.T.N chia sẻ: “Từ hôm xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tôi cũng rất sợ khi phải đi ăn ở ngoài, lo mình không may mắn gặp đúng hôm đồ ăn không đảm bảo. Đến hôm nay không thấy phát sinh thêm ca nào nữa, mà cơ sở sản xuất cũng đã bị tạm đình chỉ nên tôi đỡ lo lắng hơn phần nào. Công việc khá bận nên trưa nay tôi vẫn ăn món bún tại một quán khu vực phường Mường Thanh. Tuy nhiên, khi đến tôi thấy quán khá vắng, có lẽ mọi người vẫn còn e dè với loại thực phẩm này. Chắc phải đến khi cơ quan y tế công bố nguyên nhân chính thức thì người dân mới có thể trở lại bình thường như trước".
Trong khi người tiêu dùng lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm, nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng đã nâng cao ý thức về việc đảm bảo vệ sinh, ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chủ quán ăn sáng tại khu vực tổ 5, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm là tôi đã phải dặn nhân viên giao bún, phở cho quán là phải lấy chỗ uy tín, đảm bảo. Nếu có vấn đề gì về an toàn thực phẩm thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bên cung cấp họ cam kết thì tôi mới nhận hàng để bán…”.
Đến thời điểm này, vẫn phải chờ kết quả kiểm nghiệm mẫu bún để có thể xác định được nguyên nhân chính xác vụ ngộ độc thực phẩm. Thế nhưng, qua sự việc trên có thể xem là hồi chuông cảnh báo đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm – mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Hơn ai hết, họ là những người biết rõ nhất chất lượng sản phẩm của mình là như thế nào. Vậy nên, các cơ sở hãy sản xuất bằng trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đừng để lợi nhuận che mờ lương tâm, sản xuất thực phẩm không đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm. Để siết chặt quản lý vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Theo đó, các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý; đồng thời, tiến hành xử lý nghiêm đối với cơ sở vi phạm các quy định, mất an toàn về thực phẩm theo quy định của pháp luật…